Bốn kiến nghị nhằm nâng cao thực thi sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Nhà nước cần có các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hữu hiệu, đặc biệt đối với hàng hóa được mua bán qua kênh thương mại điện tử.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

“Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải cách, trong đó yêu cầu về thiện khung pháp lý về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về sở hữu trí tuệ còn có ý nghĩa đối công cuộc chuyển đổi số của đất nước.”

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tại Hội thảo công bố báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam” ngày 24/3.

Chưa quan tâm đúng mức tới sở hữu trí tuệ

Theo bà Minh, Việt Nam đang tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới cho nền kinh tế, một định hướng quan trọng là phát huy đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động. Định hướng này đòi hỏi phải có những nỗ lực nhằm tăng cường ý thức và hiệu lực bảo vệ sở hữu trí tuệ của cả các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đều có những nội dung quan trọng về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trước yêu cầu ấy, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, bà Minh cho rằng hướng tới nền kinh tế số cũng đòi hỏi Nhà nước phải có các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với các sản phẩm hàng hóa được mua bán qua kênh thương mại điện tử, các sản phẩm kỹ thuật số khi mà chúng dễ bị sao chép và phát tán trên internet. Hơn nữa, các quy định về sở hữu trí tuệ được cải thiện sẽ thúc sự phát triển của các công nghệ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (như AI, blockchain, dữ liệu lớn...).

Hội thảo công bố báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam.” (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

CIEM đã rà soát các quy định về sở hữu trí tuệ trong các cam kết quốc tế và văn bản pháp luật của Việt Nam và cho hay khối doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu chưa có sự quan tâm đúng mức về vấn đề này. Trên thực tế, các tranh chấp phát sinh đối với quyền sở hữu trí tuệ được sử lý thông qua xử phạt hành chính và tập trung chủ yếu ở hàng nhái, hàng giả về nhãn hiệu hoặc vi phạm kiểu dáng công nghiệp. Điều đáng nói, số tiền xử phạt hành chính tương đối thấp và chưa thực sự đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm luật sở hữu trí tuệ.

Giải pháp để thực thi tốt hơn sở hữu trí tuệ

Về những thách thức đối với bảo vệ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, cho biết các FTA thế hệ mới đặt ra một số cam kết quốc tế cao hơn hoặc hoàn toàn mới so với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, việc gia tăng các cơ hội kinh tế trong bối cảnh thực thi các FTA cũng có thể tạo thêm “động lực” cho các doanh nghiệp và cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Chuyên gia này cũng chỉ ra cách tiếp cận hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa thể hiện rõ tính chủ động, chủ yếu bám vào lộ trình và mức độ cam kết (thay vì chuẩn bị sớm và mở cửa sâu hơn các nước).  

(Nguồn: CIEM)

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu báo cáo đưa ra 4 nhóm kiến nghị chính sách đối với sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ. Thứ nhất, cách tiếp cận đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cần hướng tới nội luật hóa sớm hơn và cao hơn so với các cam kết quốc tế để tạo động lực cho doanh nghiệp và thích ứng với môi trường chuyển đổi số.

Kế đến là nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ Sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (đặc biệt là ở nước ngoài). Thứ ba là vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc xử lý dân sự các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ để giảm chi phí cho doanh nghiệp và cá nhân.

Cuối cùng là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý sở hữu trí tuệ. Cần tính đến khả năng hợp nhất một số cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan này.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng trao đổi những nội dung, quy định, chính sách, định hướng cụ thể giúp xác định cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam./.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM phát biểu tại sự kiện:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục