Việt Nam ủng hộ thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ

Không gian kinh tế Pháp ngữ có tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế rất to lớn, đặc biệt là trong bối cảnh tất cả các nước thành viên đang nỗ lực hết mình để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Việt Nam ủng hộ thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ ảnh 1Các Doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, giới thiệu sản phẩm bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ, tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN.)

Sáng 24/3, Bộ Ngoại giao và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế cấp cao Pháp ngữ.

Dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện cộng đồng Pháp ngữ (APF), Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Pháp Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lương thực Gabon Charles Mve Ella, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo cùng lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam; các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Các Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức Pháp ngữ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và các tổ chức, doanh nghiệp của trên 20 nước Pháp ngữ tham gia Đoàn xúc tiến kinh tế-thương mại Pháp ngữ thăm Việt Nam cũng tham dự hội nghị.

Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ

Bày tỏ vui mừng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh đây là một Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, bởi với 88 quốc gia và chính quyền thành viên, hiện diện ở khắp các châu lục trên thế giới, có 1,2 tỷ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại thế giới, không gian kinh tế Pháp ngữ có tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế rất to lớn, đặc biệt là trong bối cảnh tất cả các nước thành viên đang nỗ lực hết mình để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và các đối tác quốc tế khác đã phối hợp tổ chức Diễn đàn quan trọng này. Những nội dung tập trung trao đổi về nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, có nhu cầu thúc đẩy, cũng như ưu tiên cao trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã cùng các nước đang phát triển, trong đó có nhiều nước Pháp ngữ và các đối tác phát triển triển khai hợp tác Nam-Nam và ba bên hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thể hiện tính khả thi cũng như tiềm năng hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này thời gian tới.

Bên cạnh đó, là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, Việt Nam đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ sang định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ ảnh 2Đại diện chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) chủ trì phiên khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Chính phủ thông qua nhiều chương trình, kế hoạch lớn, trong đó có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Việt Nam cũng nỗ lực hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP 26 vừa qua.

Cùng với ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp hiện đại, minh bạch, trách nhiệm và bền vững, chuyển đổi số là xu thế lớn của thế giới, là yêu cầu và đòi hỏi khách quan và là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay. Việt Nam đã có Chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030, với 3 trụ cột về kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế Việt Nam và giải quyết các thách thức xã hội đang tăng rất nhanh, thể hiện trong thực tế ứng phó với dịch COVID-19 hiện nay.

Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Việt Nam cũng đang sở hữu cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động trẻ, nhanh nhạy, giàu tiềm năng để thực hiện chuyển đổi số. Doanh nghiệp và người dân Việt Nam tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số. Ngành công nghệ thông tin, viễn thông đang phát triển mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm đầu 30 thế giới về truy cập số.

“Quá trình phục hồi kinh tế-xã hội, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững, bao trùm của tất cả các nước rất cần có sự tham gia và đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp. Chính vì thế, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và chú ý lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp, cố gắng tháo gỡ những khó khăn, tiếp thu các ý kiến và các giải pháp phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể hợp tác, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu trên tinh thần 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ'," Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết.

Phó Thủ tướng mong muốn qua các trao đổi, thảo luận và tiếp xúc tại Diễn đàn cấp cao lần này, các doanh nghiệp Pháp ngữ cùng với các doanh nghiệp Việt Nam chắt chiu từng cơ hội để xây dựng quan hệ hợp tác, đối tác lâu dài, bền vững, cùng phát triển, trong các lĩnh vực được trao đổi tại diễn đàn, cũng như tạo tiền đề cho các hợp tác trong các lĩnh vực khác.

[Việt Nam cùng cộng đồng Pháp ngữ thúc đẩy phục hồi bền vững]

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam thông tin đầy đủ cho các đại biểu về chủ trương, chính sách, pháp luật, ưu tiên, nhu cầu của Việt Nam và giới thiệu môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam trong 3 lĩnh vực được trao đổi tại Diễn đàn.

Cùng với đó, các bộ, ngành chia sẻ các thực tiễn triển khai về thương mại và đầu tư, các thế mạnh, tiềm năng, cơ hội hợp tác của Việt Nam cũng như các thách thức đặt ra và trao đổi về các biện pháp giải quyết các thách thức đó, đồng thời, trao đổi về cách thức tiếp cận các nguồn vốn và công nghệ mới, công nghệ sạch, cách thức tìm các kênh thanh toán trực tiếp và an toàn, hướng giải quyết các tranh chấp thương mại và đầu tư nếu xảy ra.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, phối hợp với các đối tác quốc tế để triển khai quyết liệt các nhiệm vụ thúc đẩy kết nối xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư, tạo điều kiện giao lưu kinh doanh giữa Việt Nam và các nước, trong đó có các nước Pháp ngữ, qua đó, mở rộng và đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu.

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ ảnh 3Quang cảnh diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

“Tiềm năng hợp tác trong không gian kinh tế Pháp ngữ rất to lớn song chưa được phát huy hết, còn nhiều dư địa để phát triển. Do đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ, kết nối các doanh nghiệp của các nước Pháp ngữ. Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Pháp ngữ, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục tích cực tham gia các nỗ lực này. Tôi cho rằng, cùng nhau, với sự quyết tâm của các chính phủ, sự tham gia, nỗ lực đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các tổ chức và đối tác quốc tế, chúng ta có thể tiếp tục làm tốt hơn nữa để thúc đẩy hợp tác kinh tế Pháp ngữ phát triển, biến các tiềm năng thành các kết quả cụ thể, thực chất, các bên cùng có lợi," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp Việt Nam-cộng đồng Pháp ngữ

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thách thức và biến động hết sức to lớn, nhanh chóng và khó lường. Tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hiện hữu trên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia, gây ra sự gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục gây tổn thất nặng nề. Việc bảo đảm an ninh lương thực cũng ngày càng trở thành một thách thức lớn với các nước.

Dù vậy, theo Bộ trưởng, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp thế giới và của người dân đã và đang góp phần thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế thế giới. Sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong nỗ lực này là hết sức quan trọng.

Phát huy các kết quả tích cực trong hoạt động kết nối hai chiều giữa các doanh nghiệp của Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài thời gian qua, với mạng lưới hơn 90 Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp từ các nước Pháp ngữ, tìm hiểu cơ hội, thiết lập các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ Ngoại giao cũng sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài, trong đó có các nước Pháp ngữ, và nhất là trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, tái tạo, sản phẩm và dịch vụ số.

Bộ trưởng đánh giá cao Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đã triển khai một loạt các sáng kiến nhằm thực hiện Chiến lược kinh tế Pháp ngữ giai đoạn 2020-2025 mà Việt Nam là nước điều phối xây dựng trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Hội đồng thường trực Pháp ngữ, đặc biệt là sáng kiến tổ chức các Đoàn xúc tiến kinh tế-thương mại Pháp ngữ và lần đầu tiên tham gia Triển lãm Thế giới (World Expo). Bộ trưởng cảm ơn Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuỗi các Đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ.

Việt Nam ủng hộ thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ ảnh 4Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và đoàn cấp cao OIF chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, nhân viên Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Bày tỏ vui mừng khi dẫn đầu Đoàn xúc tiến kinh tế và thương mại Pháp ngữ thăm, tiềm hiểu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo cho biết, Tổ chức này đã xác định hợp tác cùng với Chính phủ Việt Nam trên ba lĩnh vực chủ chốt giúp tạo ra những doanh nghiệp hợp tác hoạt động trong việc tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, lĩnh vực thứ nhất là nông, lâm nghiệp, chế biến thực phẩm; thứ hai là đổi mới sáng tạo năng lượng tái tạo và thứ ba là chuyển đổi số.

“Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ba lĩnh vực ưu tiên này và để làm như vậy, nhiệm vụ của tất cả chúng ta là vượt qua những thách thức, khó khăn để tạo ra những thỏa thuận hợp tác doanh nghiệp các nước với nhau trong khuôn khổ Pháp ngữ, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác của Cộng đồng Pháp ngữ," Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo nhấn mạnh.

Theo Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo, việc thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp khối Pháp ngữ còn giúp nâng cao hơn nữa tỷ lệ trao đổi thương mại trong khối Pháp ngữ hiện nay là 20% và đạt được mức độ tỷ lệ cao hơn mức 16% GDP ở toàn cầu hiện nay cũng như tỷ lệ vốn đầu tư của cộng đồng Pháp ngữ trên toàn thế giới hiện là 15%. Việc thúc đẩy thỏa thuận hợp tác không chỉ phục vụ lợi ích của từng quốc gia thành viên Cộng đồng Pháp ngữ mà còn đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với Cộng đồng Pháp ngữ, là một trong những quốc gia sáng lập của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, cũng là một trong những nước đi đầu về tăng trưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúc mừng những thành tựu trong chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam, Tổng Thư ký Louise Mushikiwabo khẳng định đây là lý do để Cộng đồng Pháp ngữ lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của Phái đoàn kinh tế thương mại và tổ chức diễn đàn kinh tế đầu tiên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ.

Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Tổng Thư ký Pháp ngữ, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triểnNnông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Lương thực Gabon đã trao đổi Ý định thư hợp tác, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ; đại diện Hiệp hội chè Việt Nam cũng trao đổi Ý định thư về hợp tác với đại diện Liên đoàn những người trồng chè của Rwanda.

Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam-Pháp ngữ tại Hà Nội diễn ra từ 24-25/3 nhằm giới thiệu các định hướng chiến lược, cơ hội kinh doanh, đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam; các cuộc gặp gỡ trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp theo hình thức B2B, các chuyến tham quan doanh nghiệp và các dạ tiệc giao lưu, kết nối, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa doanh nghiệp Cộng đồng Pháp ngữ với các đối tác của Việt Nam.

Thông qua chuyến thăm của Đoàn xúc tiến kinh tế-thương mại Pháp ngữ, Tổ chức này muốn hỗ trợ các quốc gia và chính phủ thành viên, nhất là nước đoàn đến, có cơ hội thúc đẩy hợp tác phục hồi bền vững nền kinh tế, vốn đã chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.