TP.HCM: Cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Pháp ngữ

Hiện Việt Nam đang thuộc nhóm thành viên nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai các chiến lược hợp tác của cộng đồng Pháp ngữ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế.
TP.HCM: Cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Pháp ngữ ảnh 1Đại diện chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) chủ trì phiên khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Chiều 22/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Phái đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ (MECA) tại Việt Nam lần này.

Tại diễn đàn, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá MECA gồm hơn 80 doanh nghiệp đến Thành phố Hồ Chí Minh là cơ hội tốt để các nền kinh tế, doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ tìm hiểu, kết nối và kiến tạo chuỗi cung ứng mới trong dòng chảy thương mại toàn cầu.

Bên cạnh đó, cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều và có thể trở thành bệ phóng để cộng đồng doanh nghiệp của OIF tại khu vực Đông Nam Á tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất của khu vực và thế giới.

"Điển hình, cộng đồng doanh nghiệp của OIF có điều kiện thuận lợi khai thác đa dạng Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP); Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA)... Về phía chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, luôn thúc đẩy hiện thực hóa những cơ hội hợp tác, kết nối cộng đồng doanh nghiệp các bên," ông Dương Anh Đức chia sẻ thêm.

Còn ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực PhòngThương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng kể từ khi trở thành thành viên chính thức của OIF, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, đóng vai trò quan trọng của OIF tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ cộng đồng Pháp ngữ và ASEAN.

Hiện nay, Việt Nam đang thuộc nhóm thành viên nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai các chiến lược hợp tác của cộng đồng Pháp ngữ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế.

[Việt Nam cùng cộng đồng Pháp ngữ thúc đẩy phục hồi bền vững]

Việt Nam và các quốc gia thuộc OIF có những điều kiện bổ sung phù hợp lẫn nhau để cùng phát triển. Việt Nam có vai trò quan trọng và điều kiện thích hợp giúp thúc đẩy tăng cường liên kết nội khối cũng như hình thành chuỗi cung ứng sản xuất-tiêu thụ khép kín, trải dài từ châu Phi tới châu Âu, Bắc Mỹ. Ngược lại, không gian kinh tế Pháp ngữ cũng là khu vực thị trường rộng lớn của Việt Nam.

Thống kê về quan hệ thương mại, Việt Nam hiện có trao đổi thương mại với 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF. Nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang những quốc gia, gồm gạo, điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, xe máy và linh kiện phụ tùng xe máy... Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên về cơ bản mang tính chất bổ sung lẫn nhau. Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác, chia sẻ những kinh nghiệm với các nước bạn bè Châu Phi thuộc cộng đồng Pháp ngữ.

Ở lĩnh vực đầu tư, có 16/54 quốc gia thành viên OIF đang có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Ngược lại, một số tập đoàn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng đã đầu tư tại châu Phi trong các lĩnh vực như khai thác dầu khí, viễn thông, thủy điện, chế biến gỗ...

Tại diễn đàn, bà Louise Mushikiwabo, Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cho hay, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh đã mở cửa và chào đón các thành viên OIF trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp là một điều vô cùng ý nghĩa về tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác. Ngoài ra, sự hiện của đại diện đến từ 25 nước thành viên OIF tại Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ cho thấy cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng về cơ hội hợp tác tại thị trường Việt Nam trong tương lai.

Theo bà bà Louise Mushikiwabo, Việt Nam là một quốc gia năng động và sẵn sàng vượt biên giới để khai thác những cơ hội đầu tư, kinh doanh, trong đó có các nước thành viên OIF. Điều này thể hiện tinh thần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, tạo ra nhiều hoạt động kết nối đầu tư, kinh doanh và đây cũng là mục tiêu của MECA tại Việt Nam lần này.

Một trong những định hướng của OIF ở giai đoạn 2021-2025, là thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa các nước thành viên và với nhiều quốc gia trên toàn cầu. Theo đó, Việt Nam là đất nước tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài được doanh OIF đánh giá cao. Cụ thể, MECA tại Việt Nam lần này tập trung vào ba lĩnh vực là nông nghiệp và công nghiệp chế biến; năng lượng tái tạo; kỹ thuật số.

Cùng quan điểm, ông Hugues Mbadinga Madiya, Bộ trưởng Thương mại, doanh nghiệp nhỏ và vừa và Công nghiệp Gabon cho rằng diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ là một hoạt động không nằm ngoài mục tiêu đẩy mạnh hợp tác, kết nối cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở đa dạng ngành nghề, lĩnh vực. Bên cạnh đó, chính sách điều hành, phục hồi và phát triển kinh tế, OIF còn chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp giữa các nước nâng tầm hợp tác quốc gia và mang lại lợi ích kinh tế thiết thực.

Trong khuôn khổ sự kiện tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 22-23/3/2022, MECA tại Việt Nam lần này cũng tham gia nhiều hoạt động đáng chú ý, gồm thăm và làm việc tại một số doanh nghiệp Việt Nam, gặp gỡ giao thương trực tiếp, tham dự các phiên thảo luận chuyên đề theo ngành..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.