Bosch khai trương nhà máy sản xuất chip hiện đại nhất châu Âu

Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cao việc nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động, khẳng định việc khai trương nhà máy cho thấy năng lực của Đức với công nghệ cao, sự đổi mới và hướng tới tương lai.
Bosch khai trương nhà máy sản xuất chip hiện đại nhất châu Âu ảnh 1Theo ước tính của Bosch, thị trường bán dẫn dự kiến đạt tăng trưởng 11% lên hơn 400 tỷ euro riêng trong năm nay. (Nguồn: reuters.com)

Ngày 7/6, tập đoàn cung cấp linh kiện và công nghệ ô tô lớn nhất thế giới Bosch đã khai trương nhà máy sản xuất chip hiện đại nhất châu Âu ở thành phố Dresden, thuộc bang Sachsen của Đức, nhằm cung cấp linh kiện cho ngành công nghệ ô tô trong bối cảnh nhiều hãng xe đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung thiết bị bán dẫn do đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu trực tuyến tại lễ khai trương, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã tạo ra những nút thắt trên thị trường, cản trở sự phục hồi kinh tế.

Bà đánh giá cao việc nhà máy khai trương và chuẩn bị đi vào hoạt động, khẳng định việc khai trương nhà máy cho thấy năng lực của Đức với công nghệ cao, sự đổi mới và hướng tới tương lai.

Nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh sự cạnh tranh trong thị trường sản xuất chip bán dẫn, kêu gọi các công ty nỗ lực nhằm bắt kịp xu thế của thế giới cũng như có thể đặt ra tiêu chuẩn như một địa điểm về công nghệ trên bản đồ thế giới.

[10 hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới đạt doanh thu kỷ lục]

Chủ tịch Bosch, ông Volkmar Denner, cho biết hãng đang nỗ lực để có thể bắt đầu sản xuất chip bán dẫn tại nhà máy mới sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch.

Theo đó, những con chip đầu tiên cho các thiết bị điện tử có thể "ra lò" vào tháng Bảy tới và việc sản xuất chip cho ô tô có thể bắt đầu vào tháng Chín tới, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch.

Sau quá trình chọn lựa, Bosch đã quyết định chọn Dresden làm địa điểm xây dựng nhà máy bởi thành phố được ví như "Silicon Saxony" này được coi là địa điểm sản xuất vi mạch điện tử lớn nhất châu Âu, nơi cũng có sự hiện diện của tập đoàn Infineon hay hãng gia công chip Globalfoundries.

Để xây dựng nhà máy, Bosch đã đầu tư khoảng 1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) vào khu đất rộng 100.000 m2 gần sân bay Dresden - khoản đầu tư lớn nhất cho tới nay của tập đoàn này.

Nhà máy trên có kế hoạch sản xuất chip bán dẫn cho các thiết bị Kết nối vạn vật (IoT) và ngành công nghệ xe hơi trên tấm bán dẫn 300 mm.

Ban đầu, nhà máy của Bosch có khoảng 250 lao động. Về lâu dài, con số này sẽ được nâng lên khoảng 700 người. Nhà máy hoạt động hoàn toàn bằng số hóa và đây cũng là lần đầu tiên Bosch kết hợp Kết nối vạn vật với Trí tuệ nhân tạo (AIoT) trong hoạt động sản xuất. 

Nhà máy khai trương trong bối cảnh các hãng sản xuất ô tô và thiết bị điện tử gặp khó khăn do tình trạng thiếu chip trên toàn cầu, một phần do nhu cầu về công nghệ máy tính tăng vọt khi nhiều người làm việc tại nhà do sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Điều này đã khiến hoạt động sản xuất tại các nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Đức như Daimler, BMW và Audi bị đình trệ. 

Theo ước tính của Bosch, thị trường bán dẫn dự kiến đạt tăng trưởng 11% lên hơn 400 tỷ euro riêng trong năm nay. Năm 1998, giá trị của bộ vi mạch được lắp đặt trong một chiếc ô tô mới là 120 euro.

Đến năm 2018, giá trị này đã là 500 euro và theo tính toán của Hiệp hội công nghiệp điện và điện tử (ZVEI), con số dự kiến vượt 600 euro vào năm 2023.

Cách đây 5 năm, trung bình có 9 con chip của Bosch được lắp trên mỗi chiếc xe mới và đến năm 2019, số lượng đã tăng lên con số 17. Nếu so sánh về chip điện tử nói chung, Bosch chưa thể so sánh với nhiều "ông lớn" như Intel hay Samsung, nhưng về chip dành cho ô tô thì Bosch đứng hàng thứ 6 thế giới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.