Tập đoàn năng lượng khổng lồ BP của Anh vừa tiết lộ tham vọng thu hồi khí carbon và hydro tại Australia, đồng thời mở rộng việc sử dụng năng lượng Mặt Trời và khí đốt trong định hướng hoạt động kinh doanh tại địa phương.
Động thái này là nhằm ủng hộ nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính toàn cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Giám đốc điều hành BP Australia, ông Emil Ismayilov, cho biết mục đích của tập đoàn là thu giữ, ép và khử khí CO2 từ các hoạt động hiện có và chuyển CO2 đến các giếng xử lý nơi chúng có thể bị khử hoàn toàn.
Nếu việc thí nghiệm thành công, phương pháp này sẽ được nhân rộng ra toàn bộ trên các cơ sở hoạt động của BP tại Australia.
[EU cảnh báo dùng thuế carbon để đáp trả các mức thuế mới của Mỹ]
Phát biểu tại Câu lạc bộ Dầu khí miền Tây Australia, ông Ismayilov cho biết BP đang tìm kiếm hợp tác với các đối tác khác trong dự án thí điểm thu hồi khí carbon, bằng cách đưa công nghệ này vào các dự án của BP.
BP là một trong những doanh nghiệp tin rằng công nghệ thu hồi carbon này sẽ đóng vai trò lớn trong việc đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Ông Specver Dale, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn BP, cho rằng công nghệ mới này rất quan trọng trong bất kỳ kịch bản nào, nhằm đạt được mục tiêu giảm khí phát thải bằng 0.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "cần có sự hỗ trợ của chính phủ để đẩy nhanh việc triển khai công nghệ này."
Tuần trước, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng quốc gia Australia, ông Dale tiết lộ BP đang "tích cực khám phá các cơ hội" trong lĩnh vực hydro ở Australia, nhưng từ chối cho biết các chi tiết cụ thể.
BP Australia hiện tập trung thúc đẩy việc phát triển dự án khí gas Woodside Petroleum-run Browse để "mở ra chương tiếp theo cho các sản phẩm khí đốt tự nhiên tại Australia.”
Bên cạnh đó, cũng giống như đối thủ Shell, tập đoàn dầu khí này cố gắng biến năng lượng Mặt Trời trở thành một trong lĩnh vực sản xuất chính của mình tại Australia.
Theo ông Ismayilo, năng lượng Mặt Trời có thể tạo ra 12% tổng năng lượng toàn cầu vào năm 2040, thậm chí có thể tăng thành 20% phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris./.