Brazil: 35.000 cơ sở du lịch buộc phải đóng cửa do dịch COVID-19

Chi tiêu của du khách quốc tế tại Brazil trong năm 2020 chỉ đạt 3 tỷ real (khoảng 538 triệu USD), bằng 50% so với năm 2019 và là con số thấp nhất ghi nhận được kể từ năm 2003.
Brazil: 35.000 cơ sở du lịch buộc phải đóng cửa do dịch COVID-19 ảnh 1Du khách đeo khẩu trang chụp ảnh tại bức tượng nổi tiếng Chúa cứu thế tại Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: AP)

Liên đoàn Thương mại, dịch vụ và du lịch quốc gia Brazil (CNC) ngày 8/4 cho biết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến khoảng 35.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại nước này phải đóng cửa trong năm ngoái.

Con số này tương đương với 13,9% tổng số cơ sở du lịch hoạt động trong năm 2019 tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này.

Theo CNC, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chịu thiệt hại lớn nhất từ cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, với 30.720 cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ và siêu nhỏ ngừng hoạt động trong năm 2020, tương ứng với 87% tổng số doanh nghiệp loại này.

Các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Sao Paulo, Minas Gerais, Rio de Janeiro và Paraná.

Nguồn thu từ khách du lịch nước ngoài sụt giảm mạnh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các cơ sở du lịch tại Brazil phải đóng cửa.

[Brazil: Người dân Rio xếp hàng dài chờ nhận bữa ăn miễn phí]

Chi tiêu của du khách quốc tế tại Brazil trong năm 2020 chỉ đạt 3 tỷ real (khoảng 538 triệu USD), bằng 50% so với năm 2019 và là con số thấp nhất ghi nhận được kể từ năm 2003.

Liên đoàn CNC ước tính từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021, ngành du lịch Brazil thiệt hại khoảng 274 tỷ real (khoảng 49,2 tỷ USD).

Thua lỗ khiến các doanh nghiệp du lịch và lữ hành Brazil buộc phải cắt giảm khoảng 397.000 việc làm chính thức trong năm 2020, trong đó bao gồm 211.100 vị trí việc làm tại các quán bar và nhà hàng, khoảng 90.700 việc làm trong lĩnh vực vận tải đường bộ và 56.500 vị trí tại các khách sạn và nhà nghỉ.

Brazil hiện vẫn là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với hơn 340.000 ca tử vong và khoảng 13,2 triệu ca nhiễm bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.