Brazil rơi vào đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử

Với mức tăng trưởng âm kéo dài sang quý thứ 8 liên tiếp, tình hình suy thoái kinh tế tại Brazil đã bước sang năm thứ 2, đánh dấu cuộc suy thoái kéo dài nhất trong lịch sử nước này.
Brazil rơi vào đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử ảnh 1Tình hình suy thoái kinh tế tại Brazil đã bước sang năm thứ 2. (Nguồn: CNN Money)

Với mức tăng trưởng âm kéo dài sang quý thứ 8 liên tiếp, tình hình suy thoái kinh tế tại Brazil đã bước sang năm thứ 2, đánh dấu cuộc suy thoái kéo dài nhất trong lịch sử nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này.

Theo số liệu từ Văn phòng thống kê chính phủ công bố ngày 7/3, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil sụt giảm 0,9% trong 3 tháng cuối cùng của năm 2016.

Với con số này, nền kinh tế Brazil suy giảm trung bình 3,6% trong năm ngoái, so với mức giảm 3,8% của năm 2015 - được đánh giá là mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm. Đây là khoảng thời gian suy thoái kéo dài nhất trong lịch sử quốc gia này. 

Trước đó, ngày 24/2, giới chức Brazil công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh hiện là 12,6%, mức cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, số người thất nghiệp tại Brazil đã tăng tới 34,3% so với một năm trước đây, phản ánh tình trạng suy thoái nghiêm trọng đeo bám nền kinh tế này suốt 2 năm qua.

Kinh tế sụt giảm, tham nhũng nghiêm trọng là hiện trạng mà Brazil đang phải đối mặt trong hơn một năm qua, dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.

Đặc biệt phải kể đến vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras với hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, bao gồm cả hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Brazil chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm 2017, hạ so với mức 0,3% đưa ra hồi tháng 10 vừa qua.

Tuy nhiên, ngày 21/2 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Brazil Henrique Meirelles khẳng định, sau 2 năm chìm đắm trong sự trì trệ với chỉ số kinh tế ảm đạm, Brazil đã thoát khỏi suy thoái và nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này đang ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.