Brazil triển khai gần 4.000 binh sỹ ngăn chặn nạn phá rừng Amazon

Lực lượng binh sỹ này với sự hỗ trợ của 11 máy bay, sẽ triển khai các chiến dịch đối phó với nạn chặt phá và đốt rừng cho đến ngày 11/7.
Brazil triển khai gần 4.000 binh sỹ ngăn chặn nạn phá rừng Amazon ảnh 1Một góc rừng Amazon ở gần Porto Velho, bang Rondonia, Brazil bị tàn phá do hỏa hoạn, ngày 26/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/5, Chính phủ Brazil đã triển khai 3.800 binh sỹ thuộc ba lực lượng vũ trang nước này tới vùng Amazon để thực hiện những nhiệm vụ ngăn chặn và đối phó với nạn chặt phá và đốt rừng trong vòng 1 tháng.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, phát biểu trong một buổi họp báo, Phó Tổng thống Brazil Hamilton Mourao cho biết, trước mắt, lực lượng binh sỹ nói trên, với sự hỗ trợ của 11 máy bay, sẽ triển khai các chiến dịch cho đến ngày 11/7 tới.

Tuy nhiên, thời gian của nhiệm vụ này có thể sẽ kéo dài tùy thuộc vào diễn biến của tình hình và kết quả thực tế.

Phó Tổng thống Mourao nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng sỹ quan quân đội là hỗ trợ hậu cần cho các cơ quan bảo vệ môi trường, cũng như đảm bảo sự an ninh cho các tổ chức này, đặc biệt là trong cuộc chiến chống nạn khai thác mỏ bất hợp pháp và các tổ chức tội phạm có tổ chức.

Cũng theo lãnh đạo nước Nam Mỹ, hiện trong khu vực Amazon thuộc Brazil có nhiều nhóm khai thác mỏ phạm pháp, những kẻ thậm chí từng đụng độ với thành viên của các lực lượng vũ trang và cảnh sát.

[Lợi dụng dịch COVID-19, rừng Amazon tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng]

Ngoài ra, theo Phó Tổng thống Mourao, một trong những mục tiêu của chiến dịch triển khai quân đội tới khu vực Amazon, với chi phí ước tính ban đầu khoảng 10 triệu USD, là để “lường trước” được những đám cháy có thể phá hủy các vùng rừng rộng lớn, thường xảy ra vào thời điểm giữa năm mà nguyên nhân là do thời tiết và hành động phá hoại của con người.

Ông khẳng định, Chính phủ Brazil không quay lưng lại với môi trường và sẽ đưa ra phản ứng mạnh mẽ.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Khoa học và môi trường Brazil Marcos Pontes cho hay, chiến dịch này còn huy động nhiều vệ tinh giám sát vùng rừng Amazon, giúp định hướng hành động của các binh sỹ và nhân viên của các cơ quan bảo vệ môi trường.

Ngày 7/5 vừa qua, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ký sắc lệnh cho phép triển khai các lực lượng vũ trang vào rừng Amazon sớm hơn 3 tháng so với thời điểm năm 2019 để chống lại nạn phá rừng và cháy rừng.

Quyết định được đưa ra sau khi số liệu thống kê cho thấy diện tích rừng bị chặt phá tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này gia tăng lên mức báo động với 51% chỉ trong 3 tháng đầu năm nay.

Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia (INPE) của Brazil khẳng định, xu hướng phá rừng vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp việc nạn phá rừng trong năm ngoái đã tăng 85%, với gần 9.200km2 rừng bị phá hủy, mức độ tàn phá cao nhất kể từ năm 2016.

Với diện tích khoảng 7 triệu km2, Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải carbon dioxide.

Được xem là "lá phổi xanh" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất, là nơi trú ngụ của khoảng 1 triệu thổ dân của 500 bộ lạc cũng như là "ngôi nhà" của hơn 3 triệu loài động, thực vật.

60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil và diện tích còn lại của cánh rừng này trải dài qua 8 nước và vùng lãnh thổ khác gồm Bolivia, Colombia, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.