Brazil và Việt Nam củng cố sự kiểm soát trên thị trường càphê quốc tế

Brazil và Việt Nam hiện sản xuất hơn một nửa lượng càphê của thế giới, so với tỷ lệ chưa tới 1/3 sản lượng toàn cầu cách đây 20 năm.
Brazil và Việt Nam củng cố sự kiểm soát trên thị trường càphê quốc tế ảnh 1Các mẫu càphê đạt tiêu chuẩn càphê đặc sản Việt Nam. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Theo nhận định của trang thông tin kinh tế americaeconomia.com, với việc cơ giới hóa ngày càng cao và sử dụng các công nghệ mới, Brazil và Việt Nam đang đạt mức tăng trưởng năng suất cao hơn Colombia và các đối thủ cạnh tranh khác từ Trung Mỹ và châu Phi.

Hai nhà sản xuất càphê lớn nhất thế giới này đã sẵn sàng để củng cố “sự kiểm soát” của mình đối với thị trường thế giới.

Việc càphê rớt giá trong những tháng qua, xuống mức thấp nhất ghi nhận trong vòng 13 năm, đang tạo ra chấn động mạnh tới một thị trường mà trong đó chỉ những nhà sản xuất hiệu quả nhất mới giành được lợi nhuận, theo nhận định của các nhà trung gian và phân tích thị trường càphê.

Người ta đang nhận thấy khả năng các nhà sản xuất khác trên thế giới bị gạt ra ngoài rìa và không thể tiến hành kinh doanh với cách thức trồng trọt truyền thống đã đi qua nhiều thế hệ. Tại các nước này, nhiều người đã chuyển sang gieo trồng các loại cây khác, trong khi những nông dân khác đơn giản là bỏ hoang các cánh đồng của mình.

Năng suất càphê trung bình tại Brazil đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Số liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy quốc gia rộng lớn nhất Nam Mỹ này đã tăng 40% sản lượng càphê trong giai đoạn trên và đạt mức 1,5 tấn/hécta.

[Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu càphê]

Cùng thời gian đó, Việt Nam tăng thêm 18% từ mức năng suất vốn đã rất cao của mình để đạt mức 2,5 tấn/hécta hiện tại. Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững của Đại học Columbia (Mỹ) Jeffrey Sách nhận xét: “Brazil và Việt Nam đã liên tục cải thiện năng suất của mình, trong khi các nước khác thì không” và chỉ ra những bước tiến trong cơ giới hóa, kỹ thuật lựa chọn vốn và công nghệ tưới tiêu như những nhân tố chính trong thành công của hai nước này.

Colombia cũng cho thấy mức tăng trưởng năng suất nhất định trong thập kỷ qua, khoảng 12%, nhưng vẫn tụt lại phía sau với mức năng suất trung bình chỉ khoảng 1 tấn/hécta. Trong khi đó, khu vực Trung Mỹ thậm chí còn sụt giảm năng suất trong thời gian này, và hiện chỉ thu hoạch trung bình khoảng 600 kg trên mỗi hécta.

Tại Colombia và Trung Mỹ, càphê được trồng trên các sườn đồi, núi đặc trưng, khiến cho việc cơ giới hóa trở nên khó khăn, trong khi việc thu hoạch thủ công hạt càphê khiến cho chi phí sản xuất luôn bị duy trì ở mức khá cao.

Còn tại châu Phi, trồng trọt càphê chủ yếu do các nhà nông nghiệp cỡ nhỏ đảm nhiệm, những người thường xuyên không kiếm đủ vốn để đầu tư vào những kỹ thuật mới.

Một máy thu hoạch càphê tại Brazil, với giá khoảng 150.000-160.000 USD và có thể được thanh toán cho công ty cung ứng thiết bị nông nghiệp bằng 400 bao càphê (60 kg) trong thời gian 4 năm.

Chiếc máy này có thể thay thế cho hàng tá người thu hoạch trên cánh đồng. Kể cả khi cộng cả chi phí mua máy lẫn nhiên liệu, các nhà nông nghiệp và sản xuất máy móc tại Brazil khẳng định rằng phương pháp này có thể giúp giảm từ 40% tới 60% giá thành thu hoạch.

Bên cạnh đó, việc mua sắm máy móc cũng giúp cho giới chủ nông nghiệp nhẹ nhõm hơn khi không còn phải lo lắng tìm kiếm và thương lượng với người thu hoạch càphê, trong bối cảnh người nông dân tại các vùng nông thôn ngày càng ít muốn lao động trên cánh đồng mà lên thành phố tìm vận may.

Brazil và Việt Nam hiện sản xuất hơn một nửa lượng càphê của thế giới, so với tỷ lệ chưa tới 1/3 sản lượng toàn cầu cách đây 20 năm.

Điều đáng nói là tỷ trọng đó vẫn đang tiếp tục tăng, theo dự đoán của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Chỉ riêng Brazil đã chiếm 1/3 sản lượng càphê toàn cầu, với minh chứng cho hiệu quả của họ là sản lượng kỷ lục 62 triệu bao càphê vào năm ngoái và dự kiến vụ thu hoạch năm 2020 sẽ phá kỷ lục này, trong khi diện tích trồng cà phê tại Xứ sở Samba liên tục giảm trong 6 năm qua.

Việt Nam cũng liên tục thiết lập các kỷ lục mới, trong khi ngược lại tại Colombia, đất nước vốn được mệnh danh là Xứ sở Càphê, vụ thu hoạch kỷ lục đã là từ đầu những năm 1990 và tại Guatemala cũng đã gần 2 thập kỷ, cũng theo số liệu thống kê của USDA.

Tại Colombia, ngày càng nhiều chủ đồn điền cà phê đang chuyển sang các cây trồng như bơ hay hoạt động chăn nuôi, còn tại Guatemala và Honduras, đang có nhiều người trồng cà phê từ bỏ nông trang của mình và gia nhập vào những đoàn người nhập cư tới Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.