Hiệp hội Doanh nghiệp Na Uy (NHO) mới đây đã bày tỏ lo ngại về những nguy cơ gia tăng từ một Brexit “lộn xộn,” đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp nước này chuẩn bị ứng phó với những hậu quả từ sự kiện trên.
Giám đốc quốc tế của NHO Tore Myhre cho rằng ngày càng có khả năng xảy ra một Brexit “không thỏa thuận”, điều có thể dẫn đến những biến động trên các thị trường chứng khoán và tiền tệ, từ đó ảnh hưởng đến tăng trường kinh tế cũng như thị trường cho các doanh nghiệp Na Uy.
Dù không phải là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhưng Na Uy nằm trong Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), cũng như Khu vực Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), và vẫn phải tuân thủ những quy định về thị trường chung, cũng như các nguyên tắc tự do luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, con người và vốn như 28 nước thành viên EU.
Theo ông Myhre, nếu nước Anh rời khỏi EU và EEA mà không đạt được thỏa thuận nào, Na Uy có thể sẽ đột nhiên phải chịu các loại thuế quan mới đối với hàng hóa, và các giấy phép, chứng chỉ và hợp đồng hiện tại của các công ty cũng có khả năng sẽ mất hiệu lực.
Trong đó, Brexit có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất hàng hóa thành phẩm, nội thất, hải sản, và tác động gián tiếp đến các nhà thầu phụ và các chuỗi giá trị.
Trước tình hình đó, ông Myhre cho biết NHO đã hối thúc giới chức Na Uy chủ động thực hiện các giải pháp khẩn cấp tạm thời để có thể tránh những hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra.
[Anh không có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý Brexit lần 2]
Liên quan đến vấn đề Brexit, Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ (Chính phủ) vừa thông qua một thỏa thuận với London, theo đó thỏa thuận sẽ cho phép Thụy Sỹ duy trì quan hệ kinh tế và thương mại với Vương quốc Anh khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU).
Theo thông cáo của Chính phủ Thụy Sỹ, thỏa thuận này sẽ đặt nền móng cho các mối quan hệ trong tương lai giữa Thụy Sỹ với Vương quốc Anh.
Thỏa thuận đảm bảo việc duy trì, trong khả năng có thể, các quyền, nghĩa vụ kinh tế và thương mại do các thỏa thuận được ký kết giữa Thụy Sỹ và EU quy định. Thỏa thuận cũng dự kiến cho các cuộc thảo luận nhằm phát triển quan hệ Thụy Sỹ-Anh trong tương lai.
Vương quốc Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019. Nếu giai đoạn chuyển tiếp theo kế hoạch giữa Brussels và London được tiến hành theo kế hoạch, các thỏa thuận song phương giữa Thụy Sỹ và EU sẽ tiếp tục được áp dụng với Vương quốc Anh.
Thỏa thuận được Hội đồng Liên bang phê chuẩn sẽ làm cơ sở cho quan hệ kinh tế và thương mại giữa Thụy Sỹ và Vương quốc Anh sau giai đoạn chuyển đổi, cho đến khi các hiệp định thương mại mới có thể được ký kết giữa các bên.
Nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận hoặc giai đoạn chuyển tiếp, thỏa thuận được Hội đồng Liên bang phê chuẩn sẽ đảm bảo nhân rộng đáng kể phần lớn các thỏa thuận thương mại hiện đang điều chỉnh quan hệ giữa Bern và London.
Năm 2017, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Thụy Sỹ với giá trị 11,4 tỷ franc và là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ tám cho Thụy Sỹ với giá trị nhập khẩu đạt 6,1 tỷ franc./.