Brexit không thỏa thuận có thể tác động xấu đến ngành ôtô châu Âu

Các chuyên gia cảnh báo, triển vọng Brexit không thỏa thuận có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với ngành ôtô châu Âu, cho dù các nhà sản xuất xe châu lục này có thể tránh được mức thuế mới ở Mỹ.
Brexit không thỏa thuận có thể tác động xấu đến ngành ôtô châu Âu ảnh 1Mẫu ôtô của hãng Ford. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các chuyên gia cảnh báo rằng triển vọng Brexit không thỏa thuận có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngành ôtô châu Âu, cho dù các nhà sản xuất xe của châu lục này có thể tạm thời tránh được mức thuế mới tại Mỹ.

Về tác động của Brexit “cứng," Chủ tịch Hiệp hội các nhà chế tạo ôtô châu Âu (EAMA) Carlos Tavares hối thúc London và Brussels cần đạt được một thỏa thuận trước khi nước Anh rời EU vào ngày 29/3 tới.

Ông Tavares cảnh báo Brexit “cứng” sẽ tác động mạnh đến ngành công nghiệp ôtô châu Âu.

Hãng chế tạo ôtô Ford (Mỹ), hiện tuyển dụng 13.000 lao động tại Anh, cũng lên tiếng thúc giục Anh và EU đạt một thỏa thuận bảo vệ quan hệ thương mại trước hạn chót 29/3 tới.

Ford từng thông báo nếu để xảy ra trường hợp Brexit “cứng,” hãng này có thể dời cơ sở sản xuất từ Anh sang châu Âu.

Ngày 24/1 vừa qua, Ford ước tính kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ gây tổn thất cho hãng 800 triệu USD.

[Hành trình an toàn cùng Ford với ôtô trang bị công nghệ 5G]

Những rủi ro đối với nước Đức cũng rất cao. Năm 2016, Anh là thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của các nhà sản xuất ôtô Đức, với lượng ôtô bán vào thị trường này lên tới 800.000 chiếc, chiếm 20% tổng lượng xe xuất khẩu của Đức. Vì vậy, Nghiệp đoàn ôtô Đức VDA cho rằng Brexit không thỏa thuận sẽ đưa đến những hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều nhà sản xuất ôtô Đức như BMW, Volkswagen và Daimler, công ty mẹ của Mercedes-Benz, đã hối thúc các chính trị gia Anh rõ ràng hơn trong vấn đề Brexit và đảm bảo hoạt động thương mại phi thuế quan được tiếp tục.

BMW, hiện sản xuất 60% lượng xe Mini của hãng tại nhà máy ở Oxford, miền Nam nước Anh, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn linh kiện nhập khẩu từ các nhà máy của hãng ở Đức.

Trước đó ngày 13/2, trả lời phỏng vấn báo giới, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) David O'Sullivan cho biết EU tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không áp đặt mức thuế trừng phạt mới đối với xe nhập khẩu với điều kiện là các cuộc đàm phán thương mại giữa Brussels và Washington được tiếp tục.

Trước đó, ông Trump đe dọa áp thuế 25% đối với sản phẩm ôtô của châu Âu, đặc biệt đối với xe của Đức, với lập luận các sản phẩm này gây tổn hại cho ngành ô tô Mỹ.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2018, ông Trump đã đạt được một thỏa thuận "đình chiến thương mại" với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và cam kết không áp mức thuế mới trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tại một đại lý bán xe của Honda ở Burlingame, California (Mỹ) ngày 6/2/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Công nghệ lái xe tự động "cực đỉnh" của Honda

Ngày 9/10 Honda thông báo đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ôtô đầu tiên trên thế giới cung cấp công nghệ lái xe tự động cho phép tài xế rời mắt khỏi đường trong hầu hết các tình huống giao thông.