Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, người dân Anh sẽ bỏ phiếu quyết định việc nước này ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU).
Kịch bản Brexit (Anh rời EU) nếu xảy ra sẽ tác động nhiều mặt đến Thụy Sĩ.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, về phương diện chính trị, giới chuyên gia lo ngại trong trường hợp đa số người dân Anh ủng hộ Brexit, cuộc bàn thảo giữa Thụy Sĩ và EU về việc áp dụng sáng kiến của đảng Liên minh Dân chủ Trung hữu UDC (Thụy Sĩ) nhằm tháo gỡ tình trạng di cư ồ ạt có thể bị đình trệ trong nhiều năm vì EU khi đó sẽ phải dành nhiều thời gian và công sức để xử lý các hệ lụy sau “cuộc chia ly” với nước Anh.
Về tác động kinh tế, nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs dự báo nếu Anh rời EU, đồng bảng Anh, đồng euro có thể sụt giảm lần lượt 11% và 4% giá trị so với giỏ tiền tệ của một số quốc gia phát triển chủ chốt, song đồng Franc Thụy Sĩ có thể tăng tới 8%.
Tuy nhiên, Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ lại đưa ra cảnh báo về tình hình bấp bênh và nhiễu loạn trong thời điểm gần kề ngày diễn ra trưng cầu dân ý tại Anh.
Bên cạnh đó, hãng Standart&Poor dự đoán nếu xảy ra kịch bản Brexit, Thụy Sĩ sẽ là trong số 5 quốc gia mất mát nhiều nhất về mặt kinh tế.
Các mối quan hệ thương mại và tài chính chặt chẽ giữa Anh với Thụy Sĩ cũng sẽ chịu tác động tiêu cực.
Brexit còn có thể ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch Thụy Sĩ khi giới chức ngành "công nghiệp không khói" này lo ngại du khách Anh và các nước EU sẽ không còn "mặn mà" với quốc gia này, từ đó làm xáo trộn thực tế hiện nay đó là lượng du khách Anh đặt phòng khách sạn tại đây cao thứ 3 (chiếm 4,6% lượng đặt phòng), chỉ sau Đức và Mỹ.
Hồi tháng Hai, Giám đốc hãng hàng không giá rẻ Easyjet của Anh còn cảnh báo Brexit sẽ khiến hãng không được hưởng lợi từ Hiệp ước Schengen miễn thị thực di chuyển trong một số nước châu Âu, từ đó kéo theo nguy cơ đặt dấu chấm hết đối với các chuyến bay giá rẻ qua châu Âu, trong đó Easyjet hiện có đến 200 chuyến bay một tuần nối Anh và Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại chỉ ra cơ hội cho Thụy Sĩ nếu xảy ra kịch bản Brexit.
Giáo sư Philippe Braillard thuộc Đại học Geneva, cho rằng nhờ Brexit, Thụy Sĩ sẽ bớt bị tách biệt trong quá trình tìm kiếm cánh cửa thâm nhập thị trường dịch vụ tài chính châu Âu.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Micheline Calmy-Rey nhận định kịch bản này sẽ buộc Anh tái đàm phán một quan hệ đối tác mới với EU thông qua các hiệp định song phương hoặc thông qua việc gia nhập Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (hiện có 4 quốc gia thành viên là Iceland, Na Uy, Liechtenstein và Thụy Sĩ).
Nếu Anh đi theo chiều hướng thứ hai, bà Micheline Calmy-Rey cho rằng Hiệp hội nói trên sẽ mạnh hơn và Thụy Sĩ sẽ được hưởng lợi từ việc này./.