Sân khấu cho thiếu nhi: Khán giả nhí bị thiệt thòi

Bùi Như Lai: Sân khấu thiếu nhi ở tình trạng… "nhân dịp”

Đạo diễn Bùi Như Lai cho rằng, đang tồn tại tình trạng... "nhân dịp," thiếu kế hoạch dài hạn trong việc biểu diễn các tác phẩm sân khấu cho thiếu nhi.
Cảnh trong vở kịch thiếu nhi "Sơn Tinh-Thủy Tinh" (Ảnh: Đạo diễn Bùi Như Lai cung cấp)

“Nhân dịp này, ta làm thế này; nhân dịp khác, ta lại làm thế kia! Điều đó tạo nên sự thiệt thòi lớn đối với khán giả nhí.” Đạo diễn Bùi Như Lai đã chia sẻ như vậy khi bàn về thực trạng chung của sân khấu thiếu nhi hiện nay.

Anh bảo, sự khác biệt trong tư duy, cách cảm của người lớn và trẻ em đặt ra cho những nghệ sỹ dàn dựng tác phẩm cho thiếu nhi những thách thức không nhỏ.

“Chiếc áo mới” cho câu chuyện cũ

- Khi dàn dựng chương trình cho thiếu nhi dịp hè này, anh chọn câu chuyện quen thuộc “Sơn Tinh-Thủy Tinh.” Phải chăng vì nguồn kịch bản sân khấu thiếu nhi hiện nay quá khan hiếm, thưa đạo diễn?


Đạo diễn Bùi Như Lai:
Thực tế, nguồn kịch bản thiếu nhi đang ngày một khan hiếm kịch bản hay.

Tuy nhiên, viêc lựa chọn một câu chuyện quen thuộc để dàn dựng cho thiếu nhi đang là một lựa chọn an toàn của các đạo diễn và các đoàn nghệ thuật trong tình hình kinh tế, sân khấu khó khăn chung hiện nay. Vở diễn “Sơn Tinh-Thủy Tinh” cũng được lựa chọn dàn dựng theo dạng thức như vậy.

- Anh có thể nói cụ thể hơn về lựa chọn an toàn này?

Đạo diễn Bùi Như Lai: Với trẻ em, việc đưa đến một câu chuyện quen thuộc sẽ giúp các em dễ tiếp nhận, dễ hòa nhập vào mạch truyện hơn so những câu chuyện mới.

Quan điểm của tôi là, tác phẩm dàn dựng cho thiếu nhi thì phải để các em được hòa nhập vào từng tình huống của kịch bản. Tất nhiên, một kịch bản mới cũng có thể làm được điều này nhưng quá trình tiếp nhận và xử lý tình huống của trẻ em sẽ mất nhiều thời gian hơn. Theo tôi, không nên để trẻ bị ám ảnh bởi những triết lý phức tạp của người lớn.

Trong nhịp sống hối hả hiện nay, phụ huynh có quá ít thời gian để kể cho các em nghe những câu chuyện như vậy. Việc ru ngủ trẻ thơ bằng những câu ca dao cũng ngày càng vắng bóng.

Chúng tôi hy vọng những vở kịch phóng tác từ những câu chuyện cổ tích và truyền thuyết của Việt Nam sẽ là một món ăn tinh thần bổ ích cho trẻ em hiện nay.

- Thế nhưng, nếu các đạo diễn cứ chọn phương án “an toàn” mãi như thế thì cũng dễ khiến khán giả nhí cảm thấy nhàm chán lắm chứ, thưa anh?

Đạo diễn Bùi Như Lai: Dàn dựng tác phẩm từ những câu chuyện truyền thuyết quen thuộc không có nghĩa là chúng tôi bê nguyên những gì sẵn có lên sân khấu. Tôi và êkíp đưa vào vở diễn những yếu tố đương đại để câu chuyện gần gữi hơn với khán giả.

Chúng tôi xây dựng một bản biễn mới với những màn nhảy múa, đấu võ của hai nhân vật chính Sơn Tinh và Thủy Tinh. Màn đấu trí được lồng ghép với những ca khúc quen thuộc dành cho thiếu nhi. Mỗi một ca khúc được phụ họa bằng một màn múa sôi động.

Bên cạnh đó, trong kịch bản, cách đặt tên nhân vật cũng được làm mới, để gần gũi hơn với trẻ em hiện nay. Ví dụ, quân của Sơn Tinh sẽ được đặt tên là Hắc Hùng Tinh Gấu, Cáo Một Đuôi Thời Tiền Sử...

Đạo diễn Bùi Như Lai (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Tôi không cực đoan”

- Theo anh, điều khó nhất khi dàn dựng tác phẩm cho thiếu nhi là gì?

Đạo diễn Bùi Như Lai: Theo tôi, điều khó nhất là phải đặt được mình vào trong thế giới của thiếu nhi, phải nắm bắt được các em nhỏ muốn gì và tư duy của trẻ như thế nào.

Nếu điều này được thực hành một cách thuần thục, thành công của tác phẩm sẽ được đảm bảo. Nếu dàn dựng tác phẩm cho thiếu nhi bằng thế giới quan của người lớn, chắc chắn, vở diễn đó sẽ tẻ nhạt với khán giả nhí.

Khi dàn dựng bất kỳ một tình huống nào, tôi cũng luôn đặt câu hỏi "tình huống đó, câu thoại đó đã gần gũi với trẻ em hay chưa?" với chính mình và các diễn viên. Nếu câu trả lời nhận được là "chưa," tôi sẽ tiếp tục thay đổi, điều chỉnh để kết quả cuối cùng phải thuyết phục được chính bản thân mình và người biểu diễn.

Cách xây dựng các nhân vật phải đơn gian và gần gũi, cách tạo tình huống phải thật sự thông minh để dẫn dắt suy nghĩ của trẻ.

Điều quan trọng nhất là trẻ phải hòa mình được vào trong không gian của vở diễn. Chính việc được hòa nhập vào không gian đó sẽ giúp trẻ tự tin hơn và bản thân trẻ sẽ có được tư duy sáng tạo theo không gian của vở diễn mang lại.

- Nhìn rộng ra, anh có thể nói gì về thực trạng sân khấu thiếu nhi hiện nay?

Đạo diễn Bùi Như Lai: Nói một cách công bằng, sân khấu thiếu nhi hiện nay đang rơi vào tình trạng... "nhân dịp" (tức là, nhân dịp này thì ta làm thế này, nhân dịp khác thì ta làm thế kia).

Chính tư duy "nhân dịp" đó đã tạo ra nhiều sự chụp giật, thiếu kế hoạch dài hạn trong việc dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm sân khấu cho thiếu nhi. Các sân khấu thiếu nhi đang nhang nhác giống nhau về cách biểu diễn và hình thức hoạt động. Đó thực sự là một điều không tốt với cả những người làm nghề và khán giả.

Để thay đổi điều này, chúng ta cần rất nhiều thứ như thời gian, công sức, kinh phí, những người có tài và tâm huyêt với nghề và sự ủng hộ của khán giả. Công chúng là lực đẩy trực tiếp để sân khấu tồn tại và phát triển.

- Đôi khi, nghệ sỹ có những quan điểm làm nghề riêng khá cực đoan. Trong trường hợp, quan điểm của anh không phù hợp với thị hiếu của khán giả, anh sẽ chọn con đường nào (kiên trì với quan điểm riêng hay theo thị hiếu của khán giả)?

Đạo diễn Bùi Như Lai: Cá nhân tôi cho rằng, mọi ý kiến cực đoan đều không tồn tại được lâu và bạn sẽ không thể phát triển được khi làm việc với thái độ cực đoan.

Một người làm nghề tốt thì phải biết được sản phẩm  mình làm ra dành cho đối tượng công chúng nào. Khi đã xác định được đối tượng mà tác phẩm muốn hướng tới thì người đạo diễn bắt buộc phải tìm câu chuyện, tìm tình huống sao cho phù hợp với đối tượng mà tác phẩm hướng đến

Tôi không cực đoan với khán giả nhưng cũng không chạy theo khán giả một cách thái quá. Tôi luôn muốn tác phẩm của mình có một thông điệp dành tặng cho khán giả, và thông điệp đó được xây dựng trên nhận thức của đối tượng mà tôi hướng đến.

- Trân trọng cảm ơn anh!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục