Ngày 11/5, Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza bác bỏ kêu gọi hoãn bầu cử tại nước này trong bối cảnh xảy ra các cuộc biểu tình nhiều thương vong phản đối tổng thống tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.
Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC, Tổng thống Nkurunziza khẳng định việc trì hoãn bầu cử sẽ làm tình hình tồi tệ hơn.
Ông bày tỏ lạc quan rằng các cuộc bầu cử sẽ diễn ra hoà bình, minh bạch và công bằng, đồng thời nêu rõ sẽ chấp thuận kết quả bỏ phiếu.
Trước đó, EU và Mỹ đã kêu gọi Chính phủ Burundi áp dụng các biện pháp để làm dịu tình hình và hoãn tổ chức bầu cử.
Đặc phái viên EU và Đại sứ Mỹ tại Burundi đều cho rằng tình hình hiện nay ở nước này không đáp ứng các điều kiện tối thiểu để có thể thực hiện bầu cử, bao gồm quyền tự do của các phương tiện truyền thông và các cuộc biểu tình hòa bình.
EU đã ngưng viện trợ tài chính cho tiến trình bầu cử tại Burundi do tình trạng bạo lực tại nước này.
Căng thẳng tại Burundi gia tăng từ nhiều tháng nay, sau khi đảng Hội đồng Quốc gia bảo vệ nền dân chủ- Các lực lượng bảo vệ nền dân chủ (CNDD-FDD) cầm quyền chọn Tổng thống Pierre Nkurunziza làm ứng viên của đảng này ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 26/6 tới.
Phe đối lập và các nhóm nhân quyền cho rằng việc này vi phạm Hiến pháp Burundi cũng như Thỏa thuận hòa bình và hòa giải Arusha, theo đó quy định Tổng thống không được tại nhiệm quá hai nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp Burundi khẳng định ông Nkurunziza không vi hiến vì nhiệm kỳ đầu của ông do Quốc hội bầu, không phải do dân trực tiếp bầu.
Theo thống kê, ít nhất 19 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các cuộc biểu tình bạo lực và đụng độ; hơn 50.000 người phải sang các nước láng giềng lánh nạn.
Tình hình này làm dấy lên quan ngại bạo lực sẽ trở lại quốc gia vốn đang trong quá trình phục hồi kể từ khi cuộc nội chiến kéo dài 13 năm kết thúc vào năm 2006.
Các nhà lãnh đạo Đông Phi dự kiến nhóm họp tại Tanzania vào ngày 13/5 nhằm thảo luận cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Burundi./.