Cà Mau: Chính thức hợp long Cầu sông Ông Đốc tại thị trấn Sông Đốc

Sau gần 2 năm triển khai thi công, cầu lớn nhất trên trục kết nối Đông-Tây của tỉnh Cà Mau đã chính thức hoàn thành những công đoạn quan trọng nhất.
Hai bờ Nam-Bắc của cửa biển Sông Đốc, cửa sầm uất nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chính thức được kết nối vào ngày 11/11. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Ngày 11/11, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Ban Quản lý Dự án Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Cà Mau đã tổ chức Lễ hợp long Cầu sông Ông Đốc.

Vị trí hợp long tại giữa Cầu sông Ông Đốc với đốt dầm dài 2m, ngang 13m, được đơn vị thi công đổ 17m3 bêtông, nối liền đôi bờ Nam-Bắc của thị trấn biển sầm uất nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Như vậy sau gần 2 năm triển khai thi công, cầu lớn nhất trên trục kết nối Đông-Tây của tỉnh Cà Mau đã chính thức hoàn thành những công đoạn quan trọng nhất.

[Cà Mau đầu tư gần 640 tỷ đồng xây dựng cầu qua sông Ông Đốc]

Dự án có tổng chiều dài dự kiến l,42km, dự án thuộc nhóm B, tổng số vốn gần 640 tỷ đồng.

Dự án có nguồn vốn từ Ngân sách Trung ương hỗ trợ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn giai đoạn 2021-2025, do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư.

Ban Quản lý Dự án Xây dựng Công trình Giao thông Cà Mau cho biết đến nay, công trình đạt hơn 90% khối lượng. Đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại như: lắp lan can, thảm mặt cầu, hệ thống an toàn giao thông... để đưa công trình cầu vào sử dụng cuối năm 2023.

Cầu sông Ông Đốc được khởi công xây dựng trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, giá nhiên liệu tăng cao, khan hiếm nguồn vật liệu… Tuy nhiên, với quyết tâm cao của các đơn vị thi công, khối lượng công việc còn lại đều được đảm bảo đúng thời gian hoàn thành như kế hoạch đề ra.

Là một trong những cửa biển lớn nhất nhì của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thị trấn Sông Đốc nằm trải dài trên hai bờ Nam-Bắc ven theo cửa sông Ông Đốc. Đồng thời, thị trấn biển này cũng là cửa ngõ phía Tây quan trọng để nối liền các giao thông quốc nội và quốc tế với trung tâm thành phố Cà Mau.

Với nhiều thế mạnh đó nhưng thời gian qua địa phương chỉ phát triển chủ yếu ở khâu dịch vụ nghề cá trong khi các cơ hội phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp chế biến thủy hải sản vẫn còn bỏ ngỏ. Nguyên nhân lớn nhất khiến địa phương chưa khai thác hết tiềm năng chính là cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu kém.

"Dự án đầu tư xây dựng cầu qua sông Ông Đốc khi được đưa vào sử dụng sẽ kết nối thông suốt trục đường ven biển Tây tỉnh Cà Mau với trục đường Đông-Tây của tỉnh. Từ đó, hình thành hệ thống giao thông liên hoàn từ Đông sang Tây và kết nối với đường ven biển của các tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại thị trấn Sông Đốc nói riêng và của tỉnh Cà Mau nói chung," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh.

Dịp này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã biểu dương chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị giám sát đã tích cực khắc phục khó khăn, nỗ lực thi công để công trình về đích đúng tiến độ đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục