Cà Mau đang trên đà phục hồi và phát triển về kinh tế-xã hội

Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các sở, ngành, địa phương vào cuộc với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm cao nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân Kế hoạch vốn đầu tư công.
Cà Mau đang trên đà phục hồi và phát triển về kinh tế-xã hội ảnh 1Trung tâm thành phố Cà Mau. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Theo Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đang trên đà phục hồi và phát triển, nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt so kế hoạch đề ra.

Lũy kế 7 tháng qua, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 343.500 tấn, tăng 2,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm đạt gần 115.000 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tháng 7/2020, sản lượng tôm đạt 50.500 tấn, tăng 1% so với tháng trước.

Các chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,6%; chỉ số hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 0,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 1,1% và kim ngạch xuất khẩu đạt 85 triệu USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Sản lượng chế biến tôm trong tháng đạt 11.320 tấn, tăng 6,3% và sản lượng khí khô thương phẩm đạt 173 triệu m3, tăng 1,2% so với tháng trước.

Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và thu hút đầu tư tăng, thu ngân sách đạt khá so kế hoạch và tăng 14% so cùng kỳ...

Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ở một số lĩnh vực vẫn còn khó khăn. Cụ thể, sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Khu công nghiệp khí-điện-đạm giảm so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu giảm 10% so cùng kỳ năm trước; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là giải ngân vốn ODA, vốn xổ số kiến thiết, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia; tai nạn giao thông tăng cao so với tháng trước.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2020, Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 2/1/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2020; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2020 và Chương trình hành động thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong những tháng cuối năm 2020; hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

[Du lịch Cà Mau tạo dựng thương hiệu, hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn]

Liên quan đến vấn đề giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt thấp so với kế hoạch, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị các sở, ngành, địa phương vào cuộc với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm cao nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 theo quy định tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Tỉnh cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình hạ tầng phục vụ phòng, chống thiên tai; các dự án lớn, quan trọng; các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ kiên quyết điều chuyển vốn từ những dự án chậm tiến độ sang những dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn; đồng thời, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây chậm trễ trong thực hiện kế hoạch đầu tư công gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước.

Bên cạnh đó, cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận có chọn lọc, hiệu quả các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, nhất là từ các tập đoàn lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Những tháng cuối năm 2020, Cà Mau tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân rộng các mô hình sản xuất, nuôi trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao...

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," Chương trình kích cầu tiêu dùng; tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 25/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.