Cà Mau đang đẩy mạnh Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm của tỉnh theo định hướng đến năm 2030, phấn đấu đưa ngành tôm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi tôm của tỉnh vẫn giữ ổn định khoảng 280.000ha nhưng sản lượng và chất lượng tôm gia tăng cao thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, nuôi trồng.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng triển khai nhiều giải pháp khuyến khích sản xuất, chế biến, tiêu thụ, giảm tổn thất sau thu hoạch trong nuôi tôm; phát triển mạnh mẽ mô hình nuôi tôm sạch, tôm sinh thái cũng như mô hình nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế.
[Phát triển thương hiệu tôm sạch Cà Mau, mở rộng thị trường xuất khẩu]
Hiện nay, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau phát triển khá ổn định, tỷ lệ thả con giống đạt cao. Cụ thể, diện tích nuôi tôm quảng canh ổn định với 158.000 ha và đang thả nuôi đạt trên 99%; nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh gần 8.600ha với diện tích đang thả nuôi đạt 60% so kế hoạch.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, bên cạnh các yếu tố về thời tiết, môi trường nuôi thuận lợi thì giá tôm nguyên liệu ít biến động, đặc biệt là giá tôm sú ổn định nên nhiều hộ nuôi quyết định cải tạo ao, đầm và thả con giống cho vụ mới.
Hiện tôm sú nguyên liệu loại 40 con/kg có giá 155.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 180.000 đồng/kg, loại 20 con/kg khoảng 215.000 đồng/kg... Riêng tôm thẻ chân trắng các loại có giá bán tăng nhẹ.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân thả giống đúng lịch thời vụ; đồng thời nên áp dụng, nhân rộng các mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu./.