Cà Mau thực hiện quy hoạch phát triển các cửa biển

Tỉnh Cà Mau đang thực hiện quy hoạch, đầu tư khai thác tiềm năng và lợi thế của các cửa biển có vị trí quan trọng.
Cà Mau thực hiện quy hoạch phát triển các cửa biển ảnh 1Kè đá khu vực cửa biển tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Tỉnh Cà Mau đang thực hiện quy hoạch, đầu tư khai thác tiềm năng và lợi thế của các cửa biển có vị trí quan trọng.

Theo đó, tỉnh quy hoạch phát triển cửa biển thành hai giai đoạn. Giai đoạn 2014-2015: hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, mời gọi đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối. Giai đoạn từ 2015-2020: hoàn tất việc đầu tư, tiến tới khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế.

Tỉnh Cà Mau có nhiều cửa biển, cửa sông ăn thông ra biển Đông và biển Tây, nhưng có hai cửa biển có vị trí quan trọng, đó là cửa biển Sông Đốc và cửa biển Khánh Hội. Để đầu tư phát triển hai cửa biển quan trọng, trở thành khu kinh tế thủy sản có vai trò động lực, tỉnh Cà Mau cần có nguồn kinh phí lên tới 5.000 tỷ đồng nhưng từ đầu năm 2010 đến nay mỗi năm chỉ được cấp từ 5-10 tỷ đồng.

Để bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển hai cửa biển lớn, tỉnh Cà Mau phải huy động từ nhiều nguồn lực như vốn trung ương, vốn địa phương, vốn từ các nhà đầu tư, vốn trong nhân dân. Hiện nay, đã có năm nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vào hai cửa biển trên với tổng nguồn vốn lên tới 500 tỷ đồng.

Cửa biển Sông Đốc thuộc thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, cách trung tâm thành phố Cà Mau 50km, đây là cửa biển có động lực phát triển kinh tế thủy sản.

Tỉnh Cà Mau quy hoạch đến năm 2020, Sông Đốc đạt tiêu chí đô thị loại 3 (thị xã), có đoàn tàu khai thác biển hiện đại đồng thời hình thành đồng bộ cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá như nhà máy đông lạnh, nhà máy nước đá, cơ sở đóng tàu, đan vá lưới.

Sông Đốc cũng được quy hoạch phát triển các ngành nghề truyền thống như làm khô các loại thủy sản, trại sản xuất tôm giống, cá giống, mỗi năm giải quyết cho 3.000 lao động có công ăn việc làm. Hiện nay, thị trấn cửa biển Sông Đốc đã có đường giao thông bộ nối liền với trung tâm thành phố Cà Mau nên rất thuận lợi trong đầu tư và phát triển.

Cửa biển Khánh Hội, thuộc xã Khánh Hội huyện U Minh, cách trung tâm thành phố Cà Mau 60km. Đây là cửa biển lớn thứ hai sau Sông Đốc, có đoàn tàu đánh bắt thuỷ sản gần 1.000 chiếc với trên 3.000 ngư phủ.

Năm 1997, bão số 5 đã cướp đi ở đây gần 500 người, chủ yếu là ngư phủ, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Nhưng với lợi thế và tiềm năng thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Cà Mau quy hoạch đến năm 2020 Khánh Hội sẽ đạt tiêu chí đô thị loại 4. Hiện nay cơ sở hạ tầng của cửa biển Khánh Hội chưa có gì, phải làm mới tất cả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.