Cà Mau: Trúng mùa, được giá tôm càng xanh nuôi trên đất lúa

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, thực tiễn đã chứng minh việc áp dụng mô hình “con tôm ôm cây lúa” trong những năm qua tại Cà Mau đã mang lại giá trị bền vững.
Cà Mau: Trúng mùa, được giá tôm càng xanh nuôi trên đất lúa ảnh 1Việc áp dụng mô hình luân canh trồng lúa kết hợp nuôi tôm ở Cà Mau đã chứng minh tính hiệu quả. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Thời điểm gần cuối năm, nông dân tại nhiều địa phương vùng Bắc Cà Mau như U Minh, Thới Bình đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ tôm càng xanh.

Vụ tôm năm nay, bên cạnh thời tiết thuận lợi, việc chủ động trong sản xuất giúp tôm càng xanh nuôi trên đất lúa cho năng suất cao, bán được giá.

Vụ mùa năm nay, tỉnh Cà Mau có gần 20.000ha nuôi tôm càng xanh trên đất lúa, trong đó huyện Thới Bình có hơn 16.000ha; huyện U Minh có trên 3.000ha.

Với 4ha đất trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh, gia đình ông Lương Thanh Tiền, ấp 17, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh mỗi năm đều có nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

[Tiền Giang: Nông dân phấn khởi vì tôm nguyên liệu được giá]

Bên cạnh đó, việc kết hợp nuôi các loại tôm, cua khác, tùy theo thời điểm của mùa vụ cũng đã góp thêm vào tổng thu nhập hằng năm của gia đình lên hơn 500 triệu đồng.

Theo ông Lương Thanh Tiền, lúa trồng theo phương pháp sinh học, hữu cơ nên bán được giá. Trong khi đó, tận dụng gốc lúa hay trên bờ ruộng, gia đình ông còn trồng thêm khoai mỳ để làm thức ăn tôm càng… nên hầu như trong suốt quá trình nuôi tôm, ông không tốn chi phí thức ăn.

Ông Lương Thanh Tiền nói từ khi áp dụng mô hình lúa-tôm kết hợp thì đời sống kinh tế của gia đình đã khá lên trông thấy. Việc nuôi trồng đa cây, đa con trên cùng một diện tích đất vừa tránh lãng phí, vừa đa dạng nguồn thu khiến nỗi lo được mùa, mất giá ít khi xảy ra.

Theo tìm hiểu, thông thường, tôm càng sẽ được thả giống nuôi từ khoảng tháng 6 đến tháng 12 âm lịch, do đó, sau thời điểm thu hoạch lúa cũng là lúc nông dân sẽ thu hoạch đồng loạt vụ tôm càng. Tuy nhiên, ông Huỳnh Minh Hoàng, ấp 18, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh lại chọn cách khác để phát triển mô hình.

Ông chọn thả nuôi giống tôm càng toàn đực vào khoảng tháng 4, đến tháng 10 âm lịch sẽ tiến hành thu hoạch đợt một. Số tôm nhỏ còn lại được dưỡng nuôi đến dịp cận Tết sẽ tiến hành thu hoạch đồng loạt.

Bằng cách này, mỗi năm, ông Hoàng đều thu hoạch được 2 đợt tôm càng và không gặp cảnh ép giá của thương lái. Do đó, với 6ha đất sản xuất lúa-tôm kết hợp, mỗi năm gia đình đều trung bình có thu nhập từ 500-600 triệu đồng.

Với đặc tính ít hao hụt, tỷ lệ thành công cao, ít tốn chi phí đầu tư cho thức ăn, xử lý nước..., tôm ngày càng được nhiều người dân Cà Mau chọn lựa để phát triển song song với vụ lúa trong mùa nước ngọt.

Ông Huỳnh Minh Hoàng chia sẻ vụ mùa vừa qua, khi áp dụng mô hình này, hầu hết nông dân địa phương đều thắng lớn. Vụ mùa năm nay đạt năng suất khá cao. Có được kết quả này là do thời tiết rất thuận lợi, bà con nông dân đúc kết kinh nghiệm từ các vụ nuôi trước và chủ động trong sản xuất. Đến khi thu hoạch, tôm thương phẩm dễ tìm đầu ra, giá cả cũng tăng cao hơn.

Những ngày này, nhiều hộ dân thả giống tôm càng xanh sớm ở huyện Thới Bình đã bơm nước, thu hoạch vụ tôm càng xanh, đạt thu nhập khá khi giá tôm đầu vụ đang ở mức cao. V

Với diện tích thả nuôi khoảng 1,5 ha, hộ ông Lê Văn Bửu, xã Trí Lực vừa thu được gần 900kg tôm càng xanh. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông Bửu lãi khoảng 60 triệu đồng.

Một số hộ nông dân vừa thu hoạch xong vụ tôm càng xanh năm nay cho biết bình quân 1ha đất thả nuôi tôm càng xanh cho thu hoạch trung bình từ 300 đến 400kg, đặc biệt có một số hộ cho thu hoạch lên đến 500 kg/ha.

Tôm càng xanh được thương lái đến tận nơi thu mua với giá dao động từ 85.000-95.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha tôm càng xanh trên đất trồng lúa, nuôi tôm sú, nuôi cua năm nay, người nuôi có lãi từ 50-60 triệu đồng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, hằng năm đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất. Những năm qua, mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa của người dân đạt hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích.

Việc phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn kết hợp với nhau đã giúp cho nhiều người dân Cà Mau vươn lên khá giàu. Những hộ nghèo, hộ ít đất sản xuất cũng từ học hỏi các mô hình phát triển đa con này, giúp kinh tế dần ổn định.

Ông Trần Quốc Sự, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, chia sẻ thực tiễn đã chứng minh việc áp dụng mô hình “con tôm ôm cây lúa” trong những năm qua tại Cà Mau đã mang lại giá trị bền vững.

Thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình, phổ biến kỹ thuật nuôi tôm càng xanh xen canh trên đất trồng lúa để càng có nhiều bà con thực hiện hơn nữa, từ đó phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.