Cả nước còn 6 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 4 tỉnh

Theo thông tin từ Cục Thú y, hiện cả nước còn 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 9 hộ chăn nuôi trên địa bàn 4 tỉnh chưa qua 21 ngày. Đặc biệt, trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh.
Cả nước còn 6 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 4 tỉnh ảnh 1Nhân viên thú y tiêm vắcxin khống chế dịch bệnh cúm gia cầm. (Ảnh: TTXVN)

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến ngày 14/5, cả nước còn 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại 9 hộ chăn nuôi trên địa bàn 4 tỉnh chưa qua 21 ngày. Đặc biệt, trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.

Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk còn 3 ổ dịch cúm A/H5N1đã xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi thuộc hai huyện Ea Súp và M’Đrắk. Tại huyện Ea Súp xảy ra hai ổ dịch, xã Ea Rốk có 1.607 con vịt mắc bệnh phải tiêu hủy và xã Ea Tmốt có 600 con vịt mắc bệnh phải tiêu hủy.

Tại huyện M’Đrắk xảy ra một ổ dịch tại một hộ chăn nuôi thuộc thị trấn M’Đrắk (đã qua 20 ngày). Tổng số gia cầm tiêu hủy là 450 con.

[Xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 mới tại tỉnh Quảng Ninh]

Tỉnh Đắk Nông còn một ổ dịch cúm A/H5N1đã xảy ra tại 4 hộ chăn nuôi thuộc xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô. Tổng số vịt mắc bệnh và chết là 250 con, số tiêu hủy là 1.800 con.

Tại tỉnh Vĩnh Long còn một ổ dịch cúm A/H5N1đã xảy ra tại một hộ chăn nuôi gia cầm tại phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh (đã qua 16 ngày). Số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 4.000 con gà.

Tại tỉnh Quảng Ninh còn một ổ dịch cúm A/H5N1đã xảy ra tại một hộ chăn nuôi gà thuộc xóm Đông I, xã  Liên Vị, thị xã Quảng Yên (đã qua 17 ngày). Số gà ốm, chết là 2.720 con và số gà tiêu hủy là 5.000 con.

Đại diện Cục Thú y cũng nhận định, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

[Tập trung phòng chống virus cúm gia cầm có khả năng lây sang người]

Do đó, Cục Thú y cũng yêu cầu các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Thú y cũng cho biết hiện nay trên cả nước không có báo cáo phát sinh và xảy ra dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh trên gia súc. Tuy nhiên, đại diện Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.

Cục Thú y cũng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành virus cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắcxin năm để tổ chức mua đúng loại vắcxin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục