Yêu vốn là sự cảm tính, và đó cũng chính là lý do về sự “mạnh miệng” của tôi, nếu bạn muốn tin là thật.
Vì thật ra, chẳng có căn cứ nào cả, tôi chỉ nghĩ đơn giản, trong âm nhạc và gu thưởng thức sẽ có nhiều người cùng “tạng” với mình để chung nhịp đập, hoặc chí ít sẽ đồng cảm nếu dõi theo về bước đường ca hát của Tùng Dương trong mười năm qua (2004- 2014).
Mà phải đâu mình tôi, cũng độ này, 10 năm trước từng có một nhạc sỹ khi nghe Dương hát “Ôi quê tôi” lần đầu tiên trên sân khấu Sao Mai Điểm hẹn 2004, người này đã bàng hoàng thốt lên rằng “Tùng Dương chính là giọng hát hay nhất nhạc nhẹ!”
Tất nhiên, tại thời điểm đó, chẳng ai dám tin vào câu cảm thán nghe thật hoang đường ấy cả.
"Nhím xù lông"!?
Tôi cứ tự hỏi, tại sao Tùng Dương phải mất tới 10 năm để được chấp nhận, và trở thành giọng hát biến báo, cùng với ngôi vị “divo” duy nhất của nhạc nhẹ?
Liệu có ai còn nhớ, chỉ mười năm trước, đó còn là một tiếng hát luôn gây tranh cãi, chông chênh giữa hai luồng yêu-ghét ở hai đối cực “sướng tai” và “chướng mắt” tưởng chẳng liên quan tới nhau trong thẩm mỹ thưởng thức nghe- xem của công chúng?
Để thấy rằng, thói quen “khó dung nạp cái mới,” và thị hiếu của công chúng Việt Nam thật quá khắc nghiệt với những giọng hát không có lợi về sắc vóc như Tùng Dương.
Nhưng Tùng Dương chẳng coi đó là thiệt thòi cho mình, bởi Dương cho rằng những nghịch lý đó “nó phải thế và luôn luôn như thế,” buộc người nghệ sỹ vận động và sáng tạo bền bỉ.
Tùng Dương cũng không cảm thấy chạnh lòng và lao lung trước những phán xét, hồ nghi rằng những cá tính âm nhạc được xem là cực đoan bậc nhất đang “thua” trên chiếc chiếu nhạc nhẹ, khi phải “xé rào” khuôn khổ sang hát tình ca, bolero… để chinh phục và tìm thêm thị phần khán giả.
Ngay cả sự thật đáng buồn khi những dự án âm nhạc tìm tòi, thể nghiệm đầy sáng tạo như “Độc đạo” hiện vẫn chất đầy “kho,” nhưng những album tình ca luôn “cháy đĩa” thì Tùng Dương cũng chẳng giấu giếm, và cảm thấy sốt ruột.
Sự tĩnh tại đó của Tùng Dương ở thời điểm này đó có lẽ phần lớn được tôi luyện, dạn dày qua 10 năm bền bỉ, thẩm thấu để đợi một ngày những cái mới được chấp nhận như một guồng quay tất yếu.
Như Dương nói, hôm nay “Độc đạo” là mới mẻ, nhưng ngày mai có thể là nhạc xưa, người nghệ sỹ luôn phải vận động, bám rễ thực tại để tư duy sáng tạo.
Nhìn lại 10 năm ca hát miệt mài của Tùng Dương, để thấy một vệt dài trong nỗ lực khai phá đến kiệt cùng hơi thở thời đại, khi thể nghiệm những thể loại âm nhạc mới, không lặp lại vào từng đứa con tinh thần.
Đầu tiên là pop, jazz, dân gian dương đại với album “Chạy trốn” (2004), đến thể nghiệm new age trong album “Những ô màu khối lập phương” (2007); nhạc điện tử electronic qua album “Li ti” (2010) và mới đây là world music cùng “Độc đạo” (2013).
Chẳng phải giản đơn mà với Tùng Dương nhắc tên mình suốt 9 mùa giải thưởng âm nhạc Cống hiến, xác lập kỉ lục là chủ nhân của 6 giải “Ca sỹ của năm” trên tổng số 8 lần được vinh danh.
Nhớ lại Tùng Dương của buổi đầu tiên, khi đến với làng nhạc Việt (Sao Mai Điểm hẹn 2004), lập tức gây chấn động như hiện tượng “dị” từ diện mạo, lẫn âm sắc như một “Lady Gaga của Việt Nam” thì sau 10 năm, Tùng Dương vẫn chưa thôi hết lạ lẫm.
Có chăng, sự lạ lẫm của Tùng Dương ở chỗ nó truyền tới sự hoan hỉ và xúc cảm cho công chúng bởi ở sự tiết chế, đa mang, chắt chiu của tâm hồn nghệ sỹ đã bước qua những ái ố hỉ nộ, giữ cho mình một đức tin, để dung dưỡng sự duy mỹ khi tìm thấy bản ngã của chính mình.
Người ta thường so sánh Tùng Dương như “con nhím xù lông” để bảo vệ sự cực đoan của mình. Dương tôn thờ cái tôi vốn mong manh, nhạy cảm của chính mình đến độ chẳng chịu nhún nhường, thậm chí miễn nhiễm với bất cứ chê bai, góp ý nào.
Nhưng nếu nhìn vào những việc Dương làm, nhìn về một Tùng Dương của ngày hôm nay, có thể nhận định đó chỉ là võ đoán.
Tùng Dương là thế, sự kiêu hãnh trong hình hài gầy guộc, mỏng manh ấy đến chết cũng chẳng để ai nhìn thấy “gót chân Asin” của mình, chứ đừng nói đến“vạch áo cho người xem lưng” một cách dễ dãi.
Dương lắng nghe những khen chê, với vẻ bề ngoài ơ thờ, bỡn cợt, lắm lúc còn đáp trả bằng một “gáo nước lạnh” nhưng mấy ai biết, chỉ khi đối diện và soi thấu vào bản ngã của chính mình, Dương lại gạn lọc và chiêm nghiệm những góp ý với tấm lòng rộng mở, trân quý để mài giũa, hoàn thiện để hướng đến sự duy mỹ trong nghệ thuật.
Không thỏa hiệp
Ngay cả trên sân khấu, nơi người nghệ sỹ phải diễn, cũng là một Tùng Dương rất khái tính. Khi đã sung, Dương nổi hứng hát luôn một chặp 5 bài theo yêu cầu của khán giả mặc đêm nhạc của mình trở thành “lê thê.” Nhưng trước yêu cầu “lạc tông” như ca khúc “Cỏ và mưa” của Giáng Sol trong đêm “Áo mùa Đông” vừa rồi tại Hà Nội, Tùng Dương chẳng ngại làm mất lòng fan bởi sự duy mỹ của mình vì, “đó là bài hát về mùa hè!.” Thay vào đó, Dương hát “Thu cạn.”
Hay trên những sân khấu lớn, thiên về thị hiếu giải trí thì Tùng Dương vẫn luôn là mình, không thỏa hiệp khi chọn song hành với Nguyên Lê hát “Con ốc” trong “Độc đạo” mặc người khác cho là “lạc lõng” trong đêm Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014 vừa rồi (6/12) tại Phú Quốc.
Sự duy mỹ trong nghệ thuật và khắc kỷ ở cá tính riêng ở Tùng Dương khiến tôi thấy khó hiểu trước những lý giải về một Tùng Dương khôn khéo khi trở thành “con cưng của truyền thông” ở thời điểm hiện tại.
Tôi càng không thấy ở Dương có sự hào hiệp của gã trai Hà Nội đúng nghĩa. Sự thấu đáo, nhạy bén và tinh tường của Dương xuất phát từ một người có học, biết mình biết ta. Chính sự săn sóc, chắt chiu của Dương trong ứng xử đã vô tình kiến tạo sự thân mật để ai cũng có thể an tâm nghĩ về Dương như người anh em, người bạn đầy thương mến của mình.
Trước Dương, ai cũng dễ dàng nhận ra vẫn còn những sân si, đong đếm, thành ra chỗ thừa luôn thừa mà thiếu luôn thiếu song có lẽ điều đó chưa hẳn đã là xấu. Ngược lại, cảm nhận trần trụi ấy vì thế, nó rất đời.
Nên với tôi, chỉ trong âm nhạc và khi hát trên sân khấu Tùng Dương mới thực sự vừa vặn với chính mình. Bản ngã và sự vô ưu nghệ sỹ, cùng nội lực từ trong cốt lõi của Dương luôn chực trào như dòng dung nham núi lửa, cứ ngùn ngụt, mạnh mẽ, đẹp như một tuyệt tác ấy có sức mạnh lan tỏa và truyền cảm hứng mãnh liệt.
Hát như rút ruột
Giọng ca Tùng Dương của ngày hôm nay, khi đi qua những nỗi buồn, cô đơn, đau khổ và cả thăng hoa trong tình yêu, đã trở nên lắng sâu và đa mang xiết bao.
Vẫn là Tùng Dương hát như rút ruột, nhả tơ nhưng không quằn quại, rên rỉ như hát cho mình, mà “chạm” tới xúc cảm của người nghe.
Mà phải đâu chỉ ở thần thái, sắc vóc, lối giao lưu tự nhiên, có duyên của Dương với khán giả, sự biến hóa và duy mỹ của người nghệ sỹ ấy luôn gieo sự tò mò, dự đoán về cả hình ảnh xuất hiện. Dẫu “bất thường” từ đôi giày màu cam, đến chiếc quần váy đầy sống động thì Tùng Dương khi xuất hiện trên sân khấu vẫn khiến khán giả thăng hoa, khoái cảm như được yêu nhân bản của chính mình.
Lại nhắc đến đêm nhạc “Áo mùa Đông” của Tùng Dương mới đây ở Hà Nội, bởi nơi ấy tôi tìm được câu trả lời cho nỗi băn khoăn của mình- Đó chính là sự hoan hỉ làm nên ma lực của Tùng Dương khi hát trên sân khấu.
Có đến những đêm nhạc của Tùng Dương mới nhận ra, đối tượng công chúng của giọng hát ấy có sự phân tầng đặc thù, khi phần lớn là fan nữ tuổi từ 35. Lượng công chúng được xem là “khó chiều” bởi “sành tai” và “kén nhạc” khi họ đã trải qua những cung bậc cảm xúc, thăng trầm của đời sống.
Khi viết những dòng này, tôi vẫn còn đó nỗi ám ảnh về sự hoan hỉ của những người khán giả lớn tuổi xung quanh chỗ tôi ngồi trong đêm “Áo mùa Đông” của Tùng Dương. Cảm tưởng sau 10 năm, những khán giả đến với Dương đã vượt lên trên sự mong chờ, sự hay dở về nhạc lý. Họ đến với Tùng Dương hiện tại để được sống trong cảm thức hoan hỉ, được “chạm” vào phía sâu tâm hồn bởi bản năng nghệ sỹ của Tùng Dương thăng hoa với tiếng đàn đầy mê đắm của Nguyên Lê trong những nốt cao, tinh tế đến tê lòng khi bỏ nhỏ, hay những luyến láy như thêu hoa trong xúc cảm của người khán giả vậy.
Sức hút ấy mang lại cho Tùng Dương tâm thế “chơi” với âm nhạc xênh xang và phơi phới. Những đêm nhạc Tùng Dương làm trong bốn mùa vào mỗi năm, dù được gắn mác bốn chữ nghệ-thuật-đương-đại vẫn bán chạy, thậm chí “cháy vé” trước ngày biểu diễn.
Để thấy yêu thêm một Tùng Dương trong những khắc hiếm hoi run rẩy, mong manh trên sân khấu, trước những người bạn lớn mà anh cho là tri kỷ trong âm nhạc như nghệ sỹ Nguyên Lê và Nguyên Thảo. Hơn cả sự nhún nhường, đó hẳn phải là sự trân quý, nâng niu và ái mộ của một người ở đỉnh cao nhưng tịnh không nghĩ mình ở thế “đầu đội trời, chân đạp đất.”
Mà như chính điều Dương tự dung tưởng về mình trong trạng thái lơ lửng, chông chênh, thiếu hụt muốn mở tung mọi cánh cửa để vươn ra thế giới rộng lớn.
Dương chẳng muốn mình sẽ trở thành chú hề xiếc, chỉ chăm chăm giữ được sự thăng bằng trên sợi dây, để bảo toàn tính mạng trước sự tán thưởng của công chúng.
Dương nói, gần đây anh luôn nghĩ về một sợi dây khác, sợi dây vô hình từ trong bản ngã. Thêm nữa, nghe thật khó tin khi Dương chia sẻ, dù không mong nhưng anh đang chờ cả thất bại.
Ngạo mạn ư! Đó là cách bạn nghĩ. Riêng tôi, trước sự tự tin, mạnh mẽ ấy, thấy thích và truyền thêm cảm hứng để viết…/.