Các bên đối địch ở Nam Sudan ký thỏa thuận an ninh chuyển tiếp

Các bên đối địch ở Nam Sudan ký thoả thuận an ninh chuyển tiếp

Lễ ký kết tiến hành dưới sự chứng kiến của đại diện Cơ quan phát triển liên chính phủ Đông Phi, Chủ tịch Uỷ ban Đánh giá và Giám sát chung ​thỏa thuận ​hòa bình Nam Sudan Festus Mogae.
Các bên đối địch ở Nam Sudan ký thoả thuận an ninh chuyển tiếp ảnh 1Cựu Tổng thống Botswana kiêm Chủ tịch Uỷ ban Đánh giá và Giám sát chung ​thỏa thuận ​hòa bình Nam Sudan Festus Mogae. (Nguồn: AFP)

Ngày 3/11, Chính phủ Nam Sudan, nhóm vũ trang đối lập Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM/SPLA-IO), các thủ lĩnh SPLM từng bị bắt giữ đã ký kết một thỏa thuận về an ninh chuyển tiếp, đạt được sau cuộc họp kéo dài 14 ngày tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Lễ ký kết tiến hành dưới sự chứng kiến của đại diện Cơ quan phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD), cựu Tổng thống Botswana kiêm Chủ tịch Uỷ ban Đánh giá và Giám sát chung ​thỏa thuận ​hòa bình Nam Sudan Festus Mogae. Đây được coi là động thái quan trọng để triển khai lệnh ngừng bắn lâu dài.

Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan Michael Makuei tuyên bố: "Đây là ngày đặc biệt đối với người dân Nam Sudan, là ngày chúng ta sẽ thực hiện ​thỏa thuận hòa bình". Ông Makuei cũng khẳng định cam kết của chính phủ trong việc thực thi th​ỏa thuận.

Dự kiến Tướng Taban Deng, trưởng đoàn đàm phán của SPLM, sẽ tới thủ đô Juba của Nam Sudan trong tháng này để thực thi ​thỏa thuận. Đại diện nhóm thủ lĩnh SPLM từng bị bắt giữ John Luk Jok nhấn mạnh việc ký kết thoả thuận trên là một động thái mang tính lịch sử và là cột mốc quan trọng hướng tới việc triển khai thỏa thuận hòa bình.

Trong khi đó, trưởng ban hoà giải IGAD Seyoum Mesfin bày tỏ chúc mừng các nhà lãnh đạo và người dân Nam Sudan về thoả thuận trên, tin tưởng rằng đến giữa tháng này, các bên sẽ bắt đầu một lộ trình vững chắc hướng tới việc thực thi ​thỏa thuận tại Juba.

Kể từ tháng 12/2013, quốc gia non trẻ nhất thế giới này đã bị tàn phá bởi nội chiến sau khi xảy ra giao tranh giữa quân đội của Tổng thống Tổng thống Salva Kiir với lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar. Tuy đã ký thỏa thuận hòa bình ngày 27/8 với sự chứng kiến của cộng đồng châu Phi và thế giới, song các vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn xảy ra và cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vốn có hiệu lực từ ngày 29/8. Tình trạng này buộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn, kể cả cấm vận nếu các bên tại Nam Sudan không tuân thủ triệt để ​thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.