Các bên xung đột tại Libya bắt đầu đối thoại hòa bình tại Maroc

Các đại diện của hai chính quyền đối địch ở Libya đã bắt đầu cuộc đàm phán mang tên “Đối thoại Libya” diễn ra trong 2 ngày tại thị trấn ven biển Bouznika, phía Nam thủ đô Rabat của Maroc.
Các bên xung đột tại Libya bắt đầu đối thoại hòa bình tại Maroc ảnh 1Đại diện của hai chính quyền đối địch ở Libya đã bắt đầu cuộc đàm phán tại Maroc. (Nguồn: AFP)

Các đại diện của hai chính quyền đối địch ở Libya đã bắt đầu cuộc đàm phán tại Maroc tối 6/9, hơn 2 tuần sau khi hai bên bất ngờ công bố ngừng bắn.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, cuộc đàm phán mang tên “Đối thoại Libya” diễn ra trong 2 ngày tại thị trấn ven biển Bouznika, phía Nam thủ đô Rabat của Maroc.

Tham gia đàm phán có 5 thành viên của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trụ sở tại Tripoli và 5 thành viên của nghị viện có trụ sở ở thành phố Tobruk, miền Đông Libya. Cuộc đối thoại nhằm duy trì lệnh ngừng bắn và các cuộc đàm phán mở để giải quyết bất đồng giữa các phe đối địch tại Libya.

Bộ trưởng Ngoại giao Maroc Nasser Bourita cho biết Vương quốc này sẵn sàng tạo điều kiện để các bên tại Libya có thể thảo luận những bất đồng và sẽ hoan nghênh mọi kết quả đạt được.

Ông nêu rõ một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Libya phải do chính người dân Libya quyết định, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Thủ tướng Libya họp kín tại Istanbul]

Ngày 21/8 vừa qua, GNA được Liên hợp quốc công nhận và lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông đã tuyên bố ngừng bắn trên cả nước.

GNA cũng kêu gọi phi quân sự hóa thành phố chiến lược Sirte đang trong tình trạng tranh chấp giữa các lực lượng đối địch, hối thúc LNA chấm dứt phong tỏa mỏ dầu, đồng thời kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 3/2021.

Năm 2015, Maroc đăng cai các cuộc đàm phán hoà bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên xung đột ở Libya. Cuộc đàm phán tại thành phố Skhirat này dẫn đến thỏa thuận chính trị với việc thành lập GNA.

Tuy nhiên, sau thỏa thuận này, tại Libya vẫn tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA, kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang nổi lên là những nhà trung gian hòa giải chính trong cuộc xung đột tại Libya.

Các bên xung đột tại Libya bắt đầu đối thoại hòa bình tại Maroc ảnh 2Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) tại cuộc gặp ở Istanbul ngày 12/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trùng thời điểm đàm phán giữa đại diện GNA và chính quyền ở miền Đông Libya tại Maroc, một cuộc hội đàm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj cũng diễn ra tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên đã thảo luận những diễn biến mới nhất tại Libya và khu vực cũng như quan hệ song phương.

Theo tuyên bố của Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan và ông Fayez al-Sarraj đã có “cuộc gặp hữu ích góp phần vào hòa bình, an toàn và thịnh vượng của người dân Libya cũng như tăng cường quan hệ song phương."

Tại cuộc gặp, Tổng thống Erdogan cam kết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đoàn kết với Chính phủ Libya được Liên hợp quốc công nhận. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh hòa bình và ổn định của Libya sẽ giúp ích cho cả các nước láng giềng và toàn khu vực, cũng như châu Âu, qua đó ông kêu gọi cộng đồng quốc tế thống nhất một lập trường có nguyên tắc về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.