Các bộ trưởng RCEP nhất trí thúc đẩy ký kết thỏa thuận trong năm 2018

Các bộ trưởng thương mại tới từ 16 nước đang đàm phán RCEP đã nhất trí thúc đẩy việc ký kết một thỏa thuận vào năm 2018, sau khi bỏ lỡ các thời hạn chót trong 3 năm qua.
Các bộ trưởng RCEP nhất trí thúc đẩy ký kết thỏa thuận trong năm 2018 ảnh 1 Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 49 tại Manila. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các bộ trưởng thương mại tới từ 16 nước đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại thủ đô Manila của Philippines ngày 12/11 đã nhất trí thúc đẩy việc ký kết một thỏa thuận vào năm 2018, sau khi bỏ lỡ các thời hạn chót trong 3 năm qua.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita cho biết các nước tham gia RCEP thống nhất sẽ kết thúc các cuộc đàm phán vào năm tới.

Ông Lukita đồng thời cho rằng các nước cần "thực tế và linh hoạt hơn" để thu hẹp khác biệt.

[APEC 2017: Trung Quốc khẳng định TPP không ảnh hưởng đến RCEP]

Theo một nguồn tin khác, hiện vẫn chưa rõ liệu trong cuộc gặp tại Manila vào ngày 14/11 tới, các nhà lãnh đạo RCEP có đề ra một thời hạn mới để hoàn tất các cuộc đàm phán vào năm 2018 hay không.

Nguồn tin trên nêu rõ các nước sẽ không thể sớm đạt được RCEP do Trung Quốc và Ấn Độ không nhất trí về vấn đề giảm thuế quan, trong khi Australia muốn có thêm sự nhượng bộ từ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hồi tháng Chín vừa qua, các bộ trưởng kinh tế RCEP thừa nhận sẽ không đạt được một thỏa thuận trong năm nay.

Trước đó, các nước RECP đã 2 lần bỏ lỡ các thời hạn chót vào năm 2015 và 2016.

Ra đời năm 2012, RCEP là hiệp định giữa 10 thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Do đó, RCEP được xem là hiệp định thương mại mở rộng của ASEAN với các đối tác, là khối thương mại chiếm 50% dân số thế giới và 39% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Việc hoàn tất RCEP sẽ dẫn tới việc thành lập khối thương mại lớn nhất thế giới, giúp RCEP có tiềm năng đóng vai trò là đầu tàu tăng trưởng toàn cầu.

Khác với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), RCEP không yêu cầu các nước thành viên tuân thủ các điều khoản về bảo vệ quyền lao động, nâng cao tiêu chí về môi trường. Nhưng cũng giống như TPP, đàm phán RCEP gặp phải nhiều trở ngại lớn trước khi đi tới thỏa thuận cuối cùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.