Các công ty EU dần dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Anh

Theo khảo sát, cứ 7 công ty châu Âu có mối quan hệ với các nhà cung ứng sản phẩm của Anh, thì có 1 công ty đã chuyển một phần hoạt động ra khỏi nước Anh.
Các công ty EU dần dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Anh ảnh 1Đường phố London. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại London, dù Anh và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt một thỏa thuận cho giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời EU, còn gọi là Brexit, nhằm duy trì hiện trạng quan hệ thương mại giữa hai bên cho tới cuối năm 2020, nhưng khảo sát của tổ chức cung ứng hàng đầu thế giới Chartered Institute of Procurement and Supply (Cips) cho hay các mối liên kết thương mại dường như đang bị phá vỡ.

Theo khảo sát, cứ 7 công ty châu Âu có mối quan hệ với các nhà cung ứng sản phẩm của Anh, thì có 1 công ty đã chuyển một phần hoạt động ra khỏi nước Anh. Tình hình giá cả cũng đã tăng lên từ sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit.

Chiều hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và là một trong những yếu tố chi phối quyết định của các công ty châu Âu.

Theo kết quả khảo sát, có tới 1/3 số nhà cung ứng sản phẩm của Anh nâng giá do đồng bảng yếu, trong khi khoảng 41% dự định tăng giá kỳ hạn để bù đắp chi phí phụ trội tiềm tàng do tác động của Brexit, như phí hải quan hay chi phí phát sinh do thay đổi các quy định.

[Infographics] Nội dung thỏa thuận bước ngoặt về Brexit của Anh và EU

Bên cạnh vấn đề giá cả, các công ty EU dường như có đánh giá ít tích cực hơn đối với các nhà cung ứng sản phẩm của Anh, khi có tới 42% công ty EU được hỏi cho rằng các sản phẩm của Xứ sở sương mù không nổi trội hơn so với hàng hóa các nước khác.

Nhà kinh tế John Glen thuộc Cips nhận định trong bối cảnh này, các doanh nghiệp không có lựa chọn nào ngoài việc nâng giá các mặt hàng cung ứng tới người tiêu dùng nhằm bảo toàn lợi nhuận và duy trì hoạt động kinh doanh.

Cũng theo nhà kinh tế Glen, dù Anh và EU đã nhất trí một thỏa thuận cho giai đoạn chuyển tiếp, nhưng các công ty dường như chỉ chuẩn bị cho kịch bản Brexit “cứng” (Anh rời EU và đứng ngoài Khu vực thị trường chung châu Âu cũng như liên minh hải quan), do chưa có gì rõ ràng về triển vọng môi trường thương mại tương lai.

Trong khi đó, ông Mats Persson, phụ trách bộ phận chính sách và thương mại của công ty tư vấn EY cho rằng dù 2 bên đã nhất trí về thỏa thuận nói trên, song không có gì đảm bảo các công ty trong chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các công ty nhỏ, có thể sẵn sàng khi Brexit diễn ra, ngay cả khi giai đoạn chuyển tiếp 21 tháng được áp dụng.

Xét về mặt ngành nghề, thực phẩm và đồ uống là một trong những lĩnh vực chịu sức ép lớn nhất, do các nhà sản xuất của Anh đang phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm đầu vào từ EU và các nước khác trên thế giới.

Ngành chế biến thực phẩm hiện đóng góp vào nền kinh tế Anh nhiều hơn 50% so với ngành chế tạo ôtô và khoảng 70% mặt hàng xuất khẩu trong ngành này có mặt tại các nước EU.

Điều này đặt an ninh thực phẩm và an ninh quốc gia của Anh đứng trước nguy cơ lớn.

Giới chuyên gia cảnh báo nếu các quy định về nguồn gốc xuất xứ không được nới lỏng hơn so với các thỏa thuận thương mại hiện có với EU, các công ty chế biến thực phẩm của Anh vẫn đối mặt với nguy cơ “Brexit cứng tiềm ẩn,” bởi nguyên liệu đầu vào sản xuất tại Anh không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất trong nước.

Trong khi đó, một báo cáo riêng của Viện Nghiên cứu Tài chính nước này cho hay việc rời liên minh hải quan sẽ giúp Anh giảm thuế nhập khẩu và giá cả nhờ đó sẽ giảm (tối đa khoảng 1,2%), song những lợi ích từ hoạt động này không đáng kể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.