Theo kết quả một khảo sát vừa công bố ngày 29/12 của hãng tin Reuters, hầu hết các công ty lớn của Nhật Bản sẽ không có kế hoạch tăng lương trong năm 2015, bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng Shinzo Abe.
Mức lương thực tế ở Nhật Bản trong tháng 11 đã giảm tháng thứ 17 liên tiếp, trong lúc tổng thu nhập của người dân nước này đã giảm lần đầu tiên trong chín tháng qua.
Chấm dứt tình trạng trên là một trong những điều kiện trọng yếu để chính sách kích thích kinh tế của ông Abe có thể thành công trong việc thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và kéo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát ra khỏi 15 năm giảm phát và tăng trưởng trì trệ.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Reuters với 47 doanh nghiệp Nhật Bản, chỉ 1/10 công ty có kế hoạch tăng lương trong năm 2015. Hơn 70% doanh nghiệp được khảo sát nói rằng họ sẽ sử dụng nguồn daonh thu để chi trả cổ tức và mua lại cổ phiếu, với phần lợi lớn nhuận dùng để đầu tư thay vì nâng lương cho công nhân viên.
Chính sách chấn hưng kinh tế Abenomics đã giúp hạ giá đồng nội tệ của Nhật Bản, hiện ở mức thấp nhất trong bảy năm rưỡi so với USD, giúp tăng tính cạnh tranh cũng như lợi nhuận thu về từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của các doanh nghiệp xuất khẩu nước này.
Mặc dù lợi nhuận tăng, nhờ hưởng lợi từ gói kích thích tiền tệ và tài chính khổng lồ của chính phủ, các doanh nghiệp Nhật Bản chưa chịu tăng lương, một phần vì họ không chắc chắn rằng người tiêu dùng sẽ chịu chi trả nhiều hơn nếu các công ty buộc phải tăng giá cả nếu chi phí dành cho người lao động cao hơn.
Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), lượng tiền mặt và tiền gửi của các công ty hoạt động trong các lĩnh vực phi tài chính nước này đã tăng lên mức kỷ lục là 233.000 tỷ yen (1.940 tỷ USD), tính đến cuối tháng 9/2014, và tăng 12% so với thời điểm khi ông Abe nhậm chức cách đây hai năm.
Chỉ trong vòng vài ngày sau khi tái đắc cử vị trí Thủ tướng Nhật Bản trong tháng này, ông Abe đã kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản nỗ lực "tối đa" trong vấn đề tăng lương cho lao động.
Mức lương cơ bản tăng sẽ gián tiếp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và bảo đảm sự phục hồi bền vững của nền kinh tế./.