Báo cáo Tiền lương Toàn cầu mới nhất của ILO cho thấy xu hướng đình trệ tăng lương ở nhiều quốc gia. Trong khi đó, tăng trưởng lương ở Việt Nam có diễn tiến tích cực nhưng Việt Nam vẫn còn cả chặng đường dài phía trước để bắt kịp với khu vực và thế giới.
Đây là những nhận định được đưa ra từ Tiền lương Toàn cầu 2014-2015 do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố hôm nay 5/12.
Việt Nam có tốc độ tăng lương cao
Báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2014-2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, tăng trưởng tiền lương trên toàn thế giới vào năm 2013 đã giảm xuống mức 2% và tới nay vẫn chưa bắt kịp mức 3% của giai đoạn tiền khủng hoảng. Đặc biệt, ở các nền kinh tế phát triển, tốc độ tăng lương trung bình dao động ở mức 1% mỗi năm từ 2006 và rồi giảm dần xuống chỉ còn 0,1% năm 2012 và 0,2% năm 2013.
“Tốc độ tăng lương đã giảm xuống mức gần 0 trong nhóm các nước phát triển trong hai năm vừa qua, thậm chí một số quốc gia còn có tình trạng giảm lương. Điều này ảnh hưởng đến tình hình kinh tế nói chung, dẫn dến việc nhu cầu tiêu dùng hộ gia đình ở hầu hết các nền kinh tế phát triển bị chững lại và làm tăng nguy cơ giảm phát ở khu vực đồng Euro,” bà Sandra Polaski, Phó Tổng Giám đốc phụ trách về chính sách của ILO cho biết.
Chuyên gia kinh tế của ILO, bà Kristen Sobeck, một trong những tác giả của báo cáo, nhận định: “Thập niên vừa qua cho thấy mặc dù tiền lương ở các nền kinh tế phát triển vẫn duy trì mức trung bình cao gấp ba lần nhóm các nước đang phát triển và mới nổi nhưng các quốc gia đang phát triển và mới nổi vẫn đang từ từ thu hẹp khoảng cách về mức tiền lương trung bình với các quốc gia phát triển.”
Riêng tại Việt Nam, trong khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đạt mức tăng lương cao hơn hầu hết các khu vực khác trên toàn cầu, Việt Nam cũng có mức tăng chung của tiền lương trung bình thực tế đạt 13,67% trong giai đoạn từ 2011-2013. Mức tăng này có một phần nguyên nhân do lương tối thiểu tăng đáng kể.
Mặc dù đạt được chuyển biến chung tích cực trong tăng lương, nhưng tiền lương ở Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn rất nhiều so với mức lương ở các nền kinh tế phát triển và thua kém ngay cả nhiều quốc gia láng giềng.
Bất bình đẳng về tiền lương
Báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2014-2015 cũng phân tích chi tiết những xu hướng gần đây về bất bình đẳng trong thu nhập hộ gia đình và vai trò của tiền lương đối với các xu hướng đó.
Tiền lương đang là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình tại các quốc gia phát triển, mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là trong nhóm các gia đình trung lưu. Trong khi đó, 10% số hộ gia đình có thu nhập cao nhất và 10% số hộ thu nhập thấp nhất lại phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn thu nhập khác.
Ở các nền kinh tế phát triển, tiền lương thường chiếm khoảng 70-80% thu nhập của các hộ gia đình có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động. Còn tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nơi công việc tự làm phổ biến hơn, đóng góp của tiền lương đối với thu nhập hộ gia đình thường nhỏ hơn. Tiền lương chiếm khoảng 50%-60% thu nhập hộ gia đình ở Mexico, Liên bang Nga, Argentina, Brazil, Chile; chiếm khoảng 40% ở Peru và chỉ chiếm 30% ở Việt Nam.
Mặt khác, năng suất lao động tiếp tục vượt mức tăng lương ở các nền kinh tế phát triển trong những năm gần đây. Đây là sự tiếp tục của một xu hướng kéo dài từ giai đoạn trước đó và chỉ chững lại một thời gian ngắn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính những năm 2008-2009.
Sự chênh lệch ngày càng gia tăng giữa tiền lương và năng suất cho thấy phân khúc GDP dành cho lao động ngày càng giảm, trong khi phần đổ vào vốn đầu tư ngày một tăng, nhất là ở các nền kinh tế phát triển. Xu hướng này đồng nghĩa với việc người lao động và gia đình họ được hưởng lợi ít hơn từ tăng trưởng kinh tế so với các chủ đầu tư nắm giữ vốn trong tay.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng các quốc gia cần phải nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển để tạo việc làm. Đặc biệt, các quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc tăng lương khi doanh nghiệp tìm cách tăng cường xuất khẩu bằng cách kiềm chế lương hay giảm phúc lợi xã hội trong thời gian tới./.