Thảo luận "đóng băng" sản lượng để nâng giá dầu thế giới

Các cường quốc dầu mỏ họp bàn "đóng băng" sản lượng để nâng giá

Ngày 17/4, các nước sản xuất dầu mỏ lớn trong và ngoài OPEC nhóm họp tại Doha của Qatar để thảo luận về khả năng "đóng băng" sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu.
Các cường quốc dầu mỏ họp bàn "đóng băng" sản lượng để nâng giá ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 17/4, các nước sản xuất dầu mỏ lớn trong và ngoài Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhóm họp tại thủ đô Doha của Qatar để thảo luận về khả năng "đóng băng" sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Saudi Arabia và Iran, hai cường quốc xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang có nhiều bất đồng sâu sắc, đe dọa phủ bóng đen lên các cuộc đàm phán.

Bộ Dầu mỏ Iran khẳng định nước này không tham gia kế hoạch "đóng băng" sản lượng chừng nào Tehran chưa khôi phục được mức sản lượng như trước khi bị cấm vận.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Hãng Bloomberg ngày 16/4, Thái tử Mohamed bin Salman nhắc lại rằng Saudi Arabia sẽ không "đóng băng" sản lượng nếu Iran không có hành động tương tự.

Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, ông Ali al-Naimi từ chối bình luận về vấn đề này.

Chuyên gia về dầu mỏ của Kuwait Kamel al-Harami nhận định thỏa thuận về "đóng băng" sản lượng vẫn có thể đạt được ngay cả khi Iran không tham gia trong bối bảnh Tehran đang tìm cách đưa sản lượng có thể trở lại mốc khoảng 4 triệu thùng/ngày như trước khi bị quốc tế áp đặt cấm vận.

Tuy nhiên, theo chuyên gia trên, Iran không thể tăng sản lượng thêm hơn 500.000 thùng dầu/ngày vào cuối năm nay.

Trước cuộc họp ở Doha, OPEC đã hạ dự báo về sức tăng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới trong năm nay và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm.

Giá dầu thô đã giảm giá khoảng 60% kể từ giữa năm 2014 trong bối cảnh nguồn dư cung lớn mà một trong những nguyên nhân là do OPEC từ chối cắt giảm sản lượng.

Giá dầu sụt giảm khiến các nước sản xuất dầu bị thiệt hại hàng trăm tỷ USD, dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách lớn.

Về mặt lý thuyết, nếu cuộc họp tại Qatar đạt được thỏa thuận nhằm khống chế mức dầu xuất ra thị trường, tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ giảm bớt giúp đẩy giá bán dầu tăng, cải thiện nguồn tài chính của các nước sản xuất dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.