Các đảo của Hy Lạp quá tải nghiêm trọng người tị nạn

Ngày càng nhiều người tị nạn đổ về khiến các đảo của Hy Lạp trở nên căng thẳng vì quá tải, rất nhiều trại tị nạn đang phải chứa gấp đôi số lượng người tị nạn so với khả năng.
Các đảo của Hy Lạp quá tải nghiêm trọng người tị nạn ảnh 1 Người di cư tới đảo Lesbos, Hy Lạp ngày 20/3/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/7, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã cảnh báo về sự căng thẳng đang gia tăng trên các hòn đảo của Hy Lạp, nơi có hàng nghìn người tị nạn và người di cư, đồng thời kêu gọi đưa người tị nạn ra khỏi các trung tâm tiếp nhận và có cuộc sống đảm bảo hơn trên đất liền.

Đại diện UNHCR tại Hy Lạp Philippe Leclerc cho biết hiện nay trên các hòn đảo của Hy Lạp, tình hình trở nên căng thẳng hơn do ngày càng có nhiều người người di cư đổ tới đây. Các đảo Lebos, Samos và Chinos là nơi căng thẳng nhất.

Theo các số liệu của chính phủ, các trại tị nạn ở Lesbos, Samos và Chios đang phải chứa hơn 9.000 người, trong khi chỉ có sức chứa khoảng 5.500 người.

[EU viện trợ khẩn cấp 209 triệu euro cho Hy Lạp trợ giúp người tị nạn]

Ông Leclerc cho rằng UNHCR cần được hỗ trợ nhiều hơn để chuyển tiếp nhiều người tị nạn, người di cư hơn từ các hòn đảo đến đất liền. Theo ông Leclerc, đã có hơn 8.000 người được chuyển một cách hợp pháp tới đất liền, tuy nhiên ông cho rằng cần phải chuyển tiếp được nhiều người hơn nữa.

Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi EU công bố một sáng kiến về chỗ ở cho người tị nạn để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay.

Trước đó, cùng ngày 27/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố khoản viện trợ khẩn cấp mới 209 triệu euro (245 triệu USD) cho Hy Lạp để những người tị nạn đang bị mắc kẹt ở nước này thuê nhà và chi tiêu cá nhân.

Khoản viện trợ nói trên sẽ được dùng để thuê 22.000 căn hộ tại các thành phố và thị trấn trên đất liền và khoảng 2.000 căn hộ trên các hòn đảo của Hy Lạp để cung cấp chỗ ở cho người tị nạn.

Với kế hoạch này, từ nay tới cuối năm, số người tị nạn tại Hy Lạp sinh sống trong các căn hộ cho thuê sẽ lên tới hơn 30.000 người.

Ngoài ra, một phần của khoản viện trợ sẽ dành để cung cấp cho những người tị nạn một thẻ ATM với một khoản tiền mặt định kỳ hàng tháng để giúp họ chi trả những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, thuốc men và đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng.

Cho đến nay, EU đã quyên góp được hơn 1,3 tỷ euro nhằm giúp Hy Lạp quản lý vấn đề người di cư và biên giới bên ngoài thông qua các hình thức tài trợ khác nhau, các khoản hỗ trợ này sẽ kéo dài đến năm 2020.

Bộ trưởng Di sản Hy Lạp Yiannis Mouzalas cho biết chính phủ nước này sẽ dần thay thế các tổ chức phi chính phủ trong việc điều hành các trại tị nạn trên các hòn đảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.