Kinh tế Hy Lạp lạc quan sau khi trở lại thị trường trái phiếu

Thủ tướng Hy Lạp cho rằng việc phát hành đợt trái phiếu chính phủ lần đầu tiên sau ba năm “vắng bóng” trên các thị trường trái phiếu sẽ giúp nước này tiếp cận được nguồn tài chính của ECB.
Kinh tế Hy Lạp lạc quan sau khi trở lại thị trường trái phiếu ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) và Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Pierre Moscovici (phải) tại cuộc gặp ở Athens ngày 25/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 26/7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho rằng việc phát hành đợt trái phiếu chính phủ lần đầu tiên sau ba năm “vắng bóng” trên các thị trường trái phiếu sẽ giúp nước này tiếp cận được nguồn tài chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Phát biểu trên kênh truyền hình Alpha, Thủ tướng Tsipras cho rằng động thái tích cực của Hy Lạp sẽ thuyết phục ECB đưa nước này vào chương trình mua trái phiếu của ngân hàng, một mục tiêu quốc gia Nam Âu hướng tới trong nhiều tháng qua.

Đến nay, ECB vẫn từ chối mua trái phiếu của Chính phủ Hy Lạp do khoản nợ công khổng lồ, vốn tương đương với gần 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này. Trong khi đó, nền kinh tế này mong muốn tiếp cận chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp của ECB với trị giá xấp xỉ 60 tỷ euro (khoảng 69 tỷ USD)/tháng để kích thích tăng trưởng sau nhiều năm suy thoái.

[Hy Lạp quay trở lại các thị trường trái phiếu sau 3 năm]

Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh việc phát hành trái phiếu chính phủ của Hy Lạp đưa nước này đến gần hơn với mục tiêu nói trên.

Lãnh đạo đảng SYRIZA cầm quyền cho biết trái phiếu mới phát hành đã thu hút gấp đôi nhu cầu cần thiết, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng kinh tế Hy Lạp cuối cùng đã có bước chuyển mình sau bảy năm khủng hoảng.

Trước đó, ngày 25/7, Bộ Tài chính Hy Lạp đã bán 3 tỷ euro (3,5 tỷ USD) trái phiếu có kỳ hạn năm năm với mức lãi suất 4,625%. Con số này thấp hơn mức lãi suất 4,95% của đợt trái phiếu có cùng kỳ hạn phát hành năm 2014 và đây cũng là chính là mục tiêu mà Chính phủ Hy Lạp đang hướng tới.

Mặc dù Hy Lạp vẫn chưa cần gom tiền từ thị trường trái phiếu, do nước này đang nhận được sự hỗ trợ mới trong gói cứu trợ tài chính quốc tế dự kiến kéo dài sang năm tới. Tuy nhiên, đây là bước ngoặt cho thấy Hy Lạp đang tự tách dần khỏi gói cứu trợ trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.