Trong khi Thái Bình và Hải Phòng nới lỏng một số hạn chế, thì Hải Dương tiếp tục tăng cường phòng chống COVID-19 tại các khu công nghiệp, còn Nam Định lùi thời gian tuyển sinh đầu cấp.
Thái Bình và Hải Phòng cho phép một số cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại
Ngày 25/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình tổ chức họp trực tuyến triển khai một số nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 với 290 điểm cầu tại các sở, ban, ngành, 8 huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đánh giá, nhờ triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đến thời điểm này tỉnh Thái Bình đã kiểm soát tốt các ổ dịch trong cộng đồng, tất cả các ca dương tính với SARS-CoV-2 đều xác định được nguồn lây.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn vẫn còn rất lớn, vì vậy các cấp, ngành, các địa phương và nhân dân tiếp tục đề cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu các cấp, ngành, địa phương nắm chắc tình hình di biến động dân cư, kiểm soát chặt chẽ người đi, đến vùng dịch về địa bàn; đồng thời yêu cầu người từ vùng cách ly, phong tỏa theo Chỉ thị 16/CT-TTg về Thái Bình phải thực hiện cách ly tập trung; người từ vùng dịch về thực hiện cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc, tự giác khai báo y tế.
Trên cơ sở phân loại, sàng lọc, ngành y tế sẽ tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp này theo hình thức cá nhân tự trả chi phí xét nghiệm.
[Thanh Hóa ghi nhận thêm một ca dương tính với COVID-19]
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương, đơn vị được trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung phải siết chặt hơn nữa các quy trình, quy định, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly hoặc lây lan dịch bệnh từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng.
Ngành Công an tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ những trường hợp xuất nhập cảnh, kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp nhập cảnh trái phép vào địa bàn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình quyết định, từ 5 giờ ngày 26/5, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép hoạt động trở lại. Khi mở cửa trở lại phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, bảo đảm khoảng cách tối thiểu 1 mét giữa người với người, 2 mét giữa bàn với bàn, khuyến khích sử dụng vách ngăn, hạn chế sử dụng điều hòa, để môi trường thông thoáng.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được hoạt động đến 21 giờ cùng ngày và mở bán trong nhà, trong kiot, đồng thời phải công khai số lượng khách tối đa, đảm bảo phục vụ không quá 1/2 số lượng khách tối đa, thực hiện ghi nhật ký khách hàng, cài đặt ứng dụng Bluezone, quét mã QR code…
Tỉnh kiên quyết đóng cửa các cơ sở không thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch.
Ngoài ra, tỉnh Thái Bình cũng quyết định cho mở cửa trở lại với cơ sở cắt tóc, gội đầu và một số hoạt động thể dục, thể thao khác.
Theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, tính đến chiều 25/5, toàn tỉnh ghi nhận 19 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, đều kiểm soát được nguồn lây. Tỉnh hiện còn phong tỏa 10 khu vực, tất cả đều được xử lý môi trường triệt để, cách ly khoanh vùng y tế nghiêm ngặt.
Đến nay, tỉnh đã kiểm soát tốt các ổ dịch tại cộng đồng và ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, không có hiện tượng lây lan thứ phát. Từ ngày 29/4 đến nay, tỉnh đã truy vết, rà soát gần 5.200 trường hợp F1, F2, hiện còn theo dõi trên 3.900 trường hợp. Toàn bộ các trường hợp này đều đã có xét nghiệm ít nhất 1 lần âm tính với SARS-CoV-2.
Ngày 25/5, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành văn bản hỏa tốc số 3368/Ủy ban Nhân dân-VX về điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Nguyễn Văn Tùng chỉ đạo, từ 6 giờ ngày 26/5/2021 cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà, cơ sở lưu trú, công viên, vườn hoa, sân golf, sân tập golf trên địa bàn thành phố hoạt động trở lại.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cơ sở lưu trú phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Ủy ban nhân dân các quận huyện phối hợp với Sở Du lịch kiểm tra giám sát việc thực hiện, chỉ đạo dừng hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch COVID-19.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tùy theo quy mô, không được phục vụ quá đông người trong cùng một thời điểm, phải đảm bảo tuân thủ khoảng cách của khách tối thiểu 2m. Thành phố Hải Phòng giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện kiểm tra, giám sát việc thực hiện và yêu cầu dừng hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
Các sân golf chỉ tiếp đón người chơi đang sinh sống tại thành phố Hải Phòng và phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày hoặc giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Các hoạt động tại công viên, vườn hoa phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m/người.
Cùng ngày, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành phun hóa chất khử trùng phòng, chống dịch COVID-19 các tuyến đường giao thông xung quanh nơi ở của bệnh nhân số 5223 tại thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão) và quận Kiến An.
Nam Định lùi thời gian tuyển sinh đầu cấp để đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19
Ngày 25/5, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế, diễn biến của dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đồng ý phương án điều chỉnh lùi thời gian tuyển sinh lớp 10 Trung học Phổ thông năm học 2021-2022 để đảm bảo an toàn, phòng ngừa các nguy cơ dịch bệnh.
Cụ thể, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) sẽ diễn ra trong 2 ngày 15-16/6 (thay vì 3 ngày, từ 27-29/5 như kế hoạch được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã ban hành).
Đặc biệt, kỳ thi này, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong không tổ chức phần thi nói đối với các môn ngoại ngữ chuyên, điểm bài thi là điểm phần thi viết tính theo thang điểm 10.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông không chuyên và Giáo dục thường xuyên sẽ được tổ chức trong các ngày 27-28/7 (thay vì ngày 15-16/6 như kế hoạch trước đó).
Năm học 2021-2022, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong tuyển 570 học sinh vào 16 lớp; trong đó, 14 lớp chuyên gồm: 2 lớp chuyên Toán; 2 lớp chuyên tiếng Anh; 2 lớp chuyên Ngữ văn; 1 lớp chuyên Tin học; 1 lớp chuyên Vật lí; 1 lớp chuyên Hóa học; 1 lớp chuyên Sinh học; 1 lớp chuyên Lịch sử; 1 lớp chuyên Địa lí; 1 lớp chuyên tiếng Nga; 1 lớp chuyên tiếng Pháp và 2 lớp không chuyên tuyển từ những học sinh dự tuyển vào các lớp chuyên nói trên.
Tỉnh tuyển khoảng 70% số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở năm học 2020-2021 vào các trường Trung học phổ thông không chuyên. Nam Định có trên 26.100 học sinh lớp 9. Toàn tỉnh có 56 trường Trung học phổ thông gồm: 44 trường Trung học phổ thông công lập và 12 trường Trung học phổ thông ngoài công lập.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, việc điều chỉnh lùi thời gian tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2021-2022 được cân nhắc, xem xét dựa trên cơ sở ưu tiên hàng đầu cho công tác an toàn phòng, chống dịch bệnh, song không ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị năm học mới của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Riêng việc huy động trẻ vào trường Mầm non, tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 được căn cứ theo điều kiện thực tế của địa phương. Các cơ sở giáo dục Mầm non huy động trẻ dưới 5 tuổi đến trường, lớp ở các loại hình trường, lớp công lập, tư thục phù hợp.
Các trường Tiểu học huy động 100% trẻ 6 tuổi (diện phổ cập giáo dục), chú trọng huy động trẻ khuyết tật diện hòa nhập trên địa bàn xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ phổ cập vào lớp 1.
Các trường Trung học cơ sở huy động 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học, trong độ tuổi quy định, có hồ sơ hợp lệ trên địa bàn xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ phổ cập giáo dục vào lớp 6; tạo điều kiện cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi học (không để học sinh bỏ học vì kinh tế gia đình khó khăn)...
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, hiện Nam Định ghi nhận 6 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng ở huyện Trực Ninh (3 trường hợp); huyện Ý Yên (2 trường hợp) và huyện Giao Thủy (1 trường hợp).
Tỉnh đã phong tỏa 4 khu dân cư gồm tổ dân phố Tây Kênh, thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh); xóm 2, xã Giao Hải (huyện Giao Thủy); thôn Trung Cường, xã Yên Cường và khu vực cầu Tống (thuộc địa bàn xóm Hậu và xóm Nhân Trạch), xã Yên Thắng (huyện Ý Yên).
Tỉnh cũng áp dụng giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với xã Giao Hải; xã Yên Cường và Yên Thắng do có liên quan đến các ca bệnh trên.
Hải Dương tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nhất là khi xuất hiện những ca bệnh tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Tinh Lợi trong Khu công nghiệp Lai Vu, huyện Kim Thành-nơi có 17.000 lao động và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Sinh tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng có 926 lao động, ngày 25/5, lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Cụ thể, tỉnh yêu cầu siết chặt kỷ cương phòng, chống dịch tại doanh nghiệp; thực hiện tốt 5K. Mỗi doanh nghiệp phải bố trí cán bộ y tế làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát sức khỏe người lao động; chủ động phối hợp với cơ quan y tế cấp huyện để xử lý các tình huống như xuất hiện trường hợp ho, sốt, khó thở…, thực hiện cách ly y tế và báo cáo cấp huyện.
Doanh nghiệp phải thành lập các tổ An toàn COVID để thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc phòng, chống dịch tại doanh nghiệp đối với tất cả người lao động, người đến giao dịch, làm việc tại doanh nghiệp và các phương tiện ra vào.
Các nhà ăn ca trong doanh nghiệp phải được bố trí đầy đủ dụng cụ, trang bị phòng dịch cần thiết; giãn cách các đợt ăn; giữ khoản cách trong khi ăn ca; khử khuẩn, sát trùng sau mỗi đợt ăn ca.
Nhà ăn ca phải được giữ thông thoáng; người lao động không mang theo các đồ dùng cá nhân, không nói chuyện trong khi ăn…
Cơ quan chức năng tổ chức cho chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và tất cả người lao động ký cam kết chấp hành phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt thời gian hoạt động tại doanh nghiệp cũng như cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Chủ doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải ký cam kết gửi Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương; chủ doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp thì ký cam kết gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện; người lao động ký cam kết gửi Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng (Tổ COVID-19 cộng đồng).
Những doanh nghiệp đang hoạt động có nguy cơ cao về dịch bệnh COVID-19 thì phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá nguy cơ dịch bệnh và tổ chức thực hiện các giải pháp phòng dịch phù hợp với tình hình, đảm bảo an toàn dịch trong sản xuất kinh doanh-tỉnh Hải Dương yêu cầu.
Tỉnh cũng giao các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, tạm dừng hoạt động và xử lý đối với các doanh nghiệp không đảm bảo quy định, điều kiện an toàn phòng chống dịch COVID-19./.