Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, các địa phương trong cả nước đang dồn sức ngăn chặn các nguy cơ lây lan của dịch bệnh này.
Sáng 6/6, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng đã có buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng chống bệnh động vật trên cạn, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đang duy trì 5 trạm chốt chặn cố định có sự phối hợp của lực lượng chức năng tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cửa khẩu trọng yếu; thành lập các chốt chặn tạm thời tại các địa phương có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Các địa phương đã xuất hiện dịch và chưa có dịch đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Trưởng phòng nông nghiệp huyện Ea Súp Nguyễn Ngọc Phú cho biết, ngoài việc tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi theo quy định, Ea Súp tăng cường tổ chức tập huấn các biện pháp nhận biết, tiêu độc, khử trùng, cho người dân các xã có dịch bệnh và nguy có lây lan dịch bệnh.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng, hiện thành phố đang triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi; trong đó, tập trung truyên truyền cho người dân hiểu biết về dịch tả lợn châu Phi, không quay lưng với thịt lợn sạch, có giải pháp tích trữ cấp đông thịt lợn sạch từ hộ gia đình.
Tại tỉnh Kon Tum, ông Đoàn Thanh Mai, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, hiện tỉnh Kon Tum đã thành lập 3 trạm kiểm dịch động vật thuộc chi cục và 12 chốt kiểm dịch động vật tạm ở các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Kon Plông và thành phố Kon Tum. Ngoài ra, tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, có một trạm kiểm dịch cửa khẩu thuộc Cục Thú y.
Hiện các trạm, chốt đang hoạt động tích cực nhằm tăng cường kiểm tra việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn vào địa bàn tỉnh hay ra khỏi ổ dịch.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cũng đã thành lập Đội kiểm tra lưu động nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; thành lập Đội phản ứng nhanh của Chi cục luôn sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có thông tin về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn.
Tại Phú Thọ, ngoài việc tiến hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêu hủy lợn chết đúng quy cách, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức trong việc phòng chống dịch bệnh, giết mổ, vận chuyển, tỉnh Phú Thọ còn lập nhiều chốt kiểm soát lưu động tại các tuyến đường huyết mạch nhằm quản lý chặt việc vận chuyển động vật và các sảm phẩm từ động vật.
[Siết chặt việc vận chuyển lợn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi]
Cụ thể, tỉnh Phú Thọ đã thành lập 78 chốt kiểm soát động vật lưu động, với huyện Hạ Hòa (28 chốt), huyện Đoan Hùng (19 chốt), thành phố Việt Trì và huyện Thanh Ba mỗi đơn vị 10 chốt...
Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục Trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Thọ cho biết, các đội kiểm soát lưu động, chốt kiểm dịch trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ đã kiểm soát được gần 8.000 phương tiện vận chuyển trên 247.380 con động vật các loại, xử phạt 8 trường hợp vi phạm hành chính với số tiền phạt là 48,5 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 92kg sản phẩm động vật.
Ngoài ra, qua rà soát, nắm bắt việc giết mổ, kinh doanh thịt lợn và sản phẩm từ lợn ở 184 chợ, đoàn kiểm tra cũng phát hiện 1.084 lượt hộ không có xác nhận về nguồn gốc…
Tại tỉnh Thái Bình, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã giao Ban cán sự Ủy ban Nhân dân tỉnh khẩn trương xây dựng đề án “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo chuỗi liên kết;” trong đó, xác định chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng giảm tỷ trọng đàn lợn, phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò lấy thịt và lấy sữa là đối tượng con nuôi chủ lực.
Mục tiêu trong 5 năm tới, tỉnh Thái Bình phát triển quy mô đàn tăng gấp 4-5 lần so với hiện nay. Đồng thời, tỉnh Thái Bình cũng sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích chăn nuôi bò theo quy mô hộ gia đình trong chuỗi liên kết; chính sách thu hút doanh nghiệp hạt nhân đầu tư phát triển các dự án chăn nuôi trâu bò tập trung, quy mô lớn, cung cấp dịch vụ chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông hộ.
Ngoài ra, tỉnh Thái Bình cũng sẽ hình thành các mô hình hợp tác xã chuyên sản xuất, cung cấp nguồn nguyên liệu, thức ăn cho trâu, bò. Trước mắt, tỉnh sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách, khuyến khích phát triển đại gia súc, đặc biệt là đàn bò thương phẩm.
Dự kiến đề án “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo chuỗi liên kết” sẽ được báo cáo trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng Sáu này. Đây sẽ là bước chuyển căn bản trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh Thái Bình cũng như khôi phục lại sản xuất trước những thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, hiện việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi đã có dấu hiệu khả quan hơn. Cụ thể, đến ngày 5/6, toàn tỉnh có 12 xã hết dịch và 9 xã thuộc 4 huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Kiến Xương và huyện Thái Thụy trong vòng 30 ngày qua không phát sinh thêm lợn ốm, chết.
Tuy nhiên, theo ngành chức năng địa phương, việc phòng chống dịch vẫn đang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống chính trị, không thể lơ là, chủ quan bởi mầm bệnh có thể lây lan và tái phát bất cứ lúc nào.
Tính đến chiều 5/6, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 53 tỉnh, thành với số lượng lợn tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con./.