Các địa phương đưa người dân đến nơi an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ

Tốc độ gió của bão số 9 có thể gây nguy hiểm đối với các công trình đang xây dựng, nhà cấp 4, cơ sở hạ tầng ven biển… ở các tỉnh, thành phố Trung Bộ, đặc biệt là từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Thành phố Đà Nẵng khẩn trương cắt tỉa cây xanh để phòng chống bão. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Thành phố Đà Nẵng khẩn trương cắt tỉa cây xanh để phòng chống bão. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trên đất liền các tỉnh chịu ảnh hưởng, bão số 9 có thể gây gió ở cấp bão rất mạnh, vùng biển ven bờ và đất liền ven biển có khả năng cấp 11-12, giật 14.

Tốc độ gió này có thể gây nguy hiểm đối với các công trình đang xây dựng, nhà cấp 4, nhà ở không kiên cố, cơ sở hạ tầng ven biển… ở các tỉnh, thành phố thuộc Trung Bộ, đặc biệt là từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Tình trạng ngập lụt sâu ở vùng trũng thấp, các khu đô thị từ Thanh Hóa đến Phú Yên có thể xảy ra trên diện rộng.

Cục Cảnh sát giao thông thành lập Trung tâm chỉ huy tại Đà Nẵng để điều hành, chỉ đạo kịp thời

Ngày 26/10, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) có điện gửi lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an các tỉnh, địa phương về việc tập trung ứng phó với mưa lũ.

Theo đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đề nghị các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin cơn bão số 9 trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động tham mưu, ứng phó kịp thời; tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Cục về chủ động khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đối với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương từ Nghệ An đến Phú Yên, cần chủ động bố trí lực lượng làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông, đặt biển báo “nguy hiểm,” rào chắn, barie… trước các điểm xảy ra ngập lụt, sạt lở để cảnh báo người dân; kiên quyết cấm đường không để người và phương tiện đi vào khu vực trên; chủ động phối hợp với các lực lượng tổ chức hướng dẫn giao thông, cứu nạn, cứu hộ.

Đối với Cảnh sát giao thông Công an các địa phương khác, cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, nắm chắc tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông, các vị trí có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở; xây dựng phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông (tại chỗ và từ xa); bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp với các lực lượng chức năng phân luồng, hướng dẫn giao thông, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố, lũ lụt…, sẵn sàng tăng cường cho các địa phương khi có chỉ đạo của Bộ.

Cục Cảnh sát giao thông thành lập Trung tâm chỉ huy Phòng chống cơn bão số 9 tại Đà Nẵng để điều hành, chỉ đạo; sẵn sàng các phương án hỗ trợ nhân dân di dời, sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất hậu quả thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng cho Công an các địa phương phòng, chống lụt bão.

Cũng trong ngày 26/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND về việc ứng phó với cơn bão số 9. Theo đó, tất cả học sinh, sinh viên được nghỉ học từ chiều 27/10 và cả ngày 28/10; thành phố tạm dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo không cần thiết để ứng phó với bão.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiểm tra các vùng xung yếu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9, chiều 26/10, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã đi kiểm tra các vùng xung yếu có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão.

Khu vực vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) là nơi tập trung hơn 1.800 bè nuôi trồng thủy sản, mỗi bè có từ 3 đến 5 người canh giữ lồng nuôi.

Kiểm tra tại khu vực này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương yêu cầu các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, chính quyền các địa phương có vùng nuôi trồng thủy sản... tích cực đi kiểm tra và vận động người dân sớm vào bờ; nếu có người cố tình ở lại trên bè, phải thực hiện cưỡng chế.

Việc di dời người trên lồng bè vào đất liền phải xong trước 18 giờ ngày 27/10. Bên cạnh đó, các hộ nuôi trồng thủy sản phải chủ động chằng chống, bảo đảm an toàn cho lồng nuôi, tránh thiệt hại do bão.

Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên liên tục thông báo cho ngư dân hoạt động trên biển biết đường đi của bão và tránh trú bão.

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, hiện có 227 tàu cá/1.322 lao động đang hoạt động trên các vùng biển; cụ thể: hoạt động xa bờ có 163 tàu cá/962 lao động, hoạt động gần bờ và đi về trong ngày có 124 tàu cá/570 lao động.

Tất cả các tàu cá này đều đã nhận được thông tin về diễn biến của bão số 9 và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; thường xuyên liên lạc với gia đình và với lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Do ảnh hưởng của bão số 9, địa bàn tỉnh Phú Yên được cảnh báo có mưa lớn, lượng mưa từ 100 mm đến 250 mm, nguy cơ cao xảy ra lũ cho hạ du và sạt lở đất. Qua kiểm tra thực tế tại các vùng xung yếu, ông Trần Hữu Thế - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nay các hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh đều an toàn.

Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành Chỉ thị yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống bão; tạm dừng tất cả các cuộc hội, họp không cần thiết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Đưa toàn bộ người dân xã đảo Tam Hải (Quảng Nam) đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ

Để chủ động ứng phó với bão số 9, chiều 26/10, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão được dự báo là đặc biệt nguy hiểm này tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Các địa phương đưa người dân đến nơi an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ ảnh 1Người dân xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành chằng chống nhà cửa. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ven biển, hải đảo và các ngành chức năng khẩn trương, quyết liệt trong việc triển khai công tác di chuyển dân đến nơi ở an toàn trước khi bão số 9 dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền vào chiều và đêm 27/10.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh bão số 9 được dự báo là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Do vậy, các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng phải dừng ngay các cuộc họp, hoạt động chưa thật sự cần thiết nhằm tập trung lực lượng để vào cuộc một cách khẩn trương và quyết liệt trong việc ứng phó với cơn bão đặc biệt nguy hiểm này.

Sự an toàn tuyệt đối của người dân phải đặt lên hàng đầu. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, toàn bộ người dân trên đảo, người dân ở vùng trũng thấp, vùng triều cường ven biển và sạt lở đất, nhất là người già và trẻ em phải được đưa đến nơi ở an toàn.

Quảng Trị sẵn sàng các phương án phòng, chống bão, mưa lũ lớn

Chiều 26/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ký ban hành Công điện khẩn triển khai ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 9.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các địa phương theo dõi, tổ chức kiểm đếm, thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển, biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động về nơi trú ẩn an toàn; có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện tại nơi tránh trú, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền khi bão đổ bộ, thực hiện cấm biển bắt đầu từ 18 giờ ngày 26/10.

Đặc biệt, tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, các lực lượng chức năng cần tổ chức di dời, sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ” để triển khai phương án ứng phó trong trường hợp bão đổ bộ vào đất liền gây mưa và lũ lớn.

Tỉnh Quảng Trị thông tin đến trên 2.300 tàu cá với hơn 7.000 thuyền viên về diễn biến và hướng di chuyển của bão số 9 để vào nơi tránh trú an toàn.

Đến chiều tối 26/10, tại các khu tránh trú bão như: Cửa Tùng, Nam Cửa Việt và Bắc Cửa Việt, ngư dân vẫn đang khẩn trương sắp xếp lại tàu thuyền; đồng thời di chuyển lưới và tài sản trên tàu cá lên đất liền để đảm bảo an toàn.

Thừa Thiên-Huế hoàn thành việc di dời dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở trước 15 giờ ngày 27/10

Ngày 26/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức họp với các địa phương, sở, ban, ngành về công tác ứng phó với cơn bão số 9.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp,các  ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9; khẩn trương triển khai các giải pháp để ứng phó, trong đó lưu ý đến việc đảm bảo phương châm "4 tại chỗ", di dời người dân vùng xung yếu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát những trụ sở cơ quan, nơi đóng quân có nguy cơ sạt lở để di dời người đến nơi an toàn.

Trước 15 giờ ngày 27/10, các địa phương phải hoàn thành việc di dời những hộ dân ở vùng xung yếu, vùng nguy cơ sạt lở đất, vùng có nguy cơ chia cắt, ven sông suối.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục