Các địa phương làm tốt công tác ứng phó với bão số 4-Noru

Tính đến 17 giờ ngày 28/9, thiệt hại do bão số 4 tại Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai đã được giảm thiểu, không có người chết.
Các địa phương làm tốt công tác ứng phó với bão số 4-Noru ảnh 1Khắc phục sự cố điện do bão số 4 gây ra tại thành phố Kon Tum. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, thiệt hại do bão số 4 gây ra tính đến 17 giờ ngày 28/9 đã được giảm thiểu, không có người chết.

Không gây thiệt hại về người

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 nhận định các địa phương đã làm tốt công tác ứng phó với bão. Hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần cao, lực lượng công an, quân đội đã huy động toàn bộ nguồn lực chuẩn bị chống bão. Đây là cơn bão có diễn biến phức tạp nhưng không gây thiệt hại về người. Điều này cho thấy, công tác ứng phó đã thành công.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp Trung ương đến địa phương, người dân đã nhận thức tốt và chấp hành nghiêm các chỉ đạo của chính quyền; sẵn sàng đùm bọc nhau. Hàng vạn người đã di tản sang các nhà kiên cố lân cận. Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn cung cấp chỗ trú bão miễn phí.

Đến chiều tối 28/9, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã giảm, một số nơi nước bắt đầu rút đi, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khắc phục thiệt hại do bão số 4 gây ra. Tuy nhiên, theo cảnh báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, nguy cơ lũ lụt vẫn có thể xảy ra trên các con sông lớn.

Liên quan đến một số thiệt hại do bão số 4, toàn tỉnh Kon Tum có 27 căn nhà bị ảnh hưởng; 11 xã bị mất điện do gió lốc, cây ngã đổ vào đường dây. Các tuyến đường Quốc lộ 40B, Quốc lộ 24, Tỉnh lộ 672, 673, 677, đường Đăk Kôi-Đăk Pxi 1, đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh; đường Hồ Chí Minh và đường Trường Sơn Đông... bị sạt lở ta luy dương, ta luy âm tại nhiều vị trí, gây ách tắc giao thông; nhiều công trình cầu, cống bị xói lở, ngập úng.

Ngoài ra, tỉnh có 12 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xói lở kênh mương và hệ thống công trình trên kênh; khoảng 66 ha lúa, 193 ha cây trồng các loại khác bị ngập. Lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đang khẩn trương khắc phục thiệt hại.

[Hình ảnh phố cổ Hội An của Quảng Nam ngập lụt sau bão số 4-Noru]

Tại Thừa Thiên-Huế, bão số 4 đổ bộ khiến 8 người bị thương, 6 nhà sập và 419 nhà bị tốc mái tập trung ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc và thành phố Huế. Nhiều phòng học bị tốc mái. Toàn tỉnh có 3 ha cây ăn quả bị thiệt hại, 64 ha hoa màu, rau màu hư hỏng, chủ yếu tại các huyện Phú Lộc, Quảng Điền và Nam Đông.

Bão số 4 khiến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở một số đoạn với khối lượng 300m3. Nhiều tuyến đường tại các vùng trũng bị ngập sâu khoảng 0,5m. Nhiều đoạn bờ biển bị sạt lở như bờ biển khu vực Phong Hải, huyện Phong Điền; khu vực thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, thành phố Huế, với chiều dài khoảng 100m, ăn sâu vào bờ từ 3-5m; đoạn tiếp giáp gần chân kè giao thông đi lên phía Bắc với chiều dài 150m, ăn sâu vào bờ từ 3-5m; bờ biển khu vực tại thôn Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, với chiều dài khoảng 150m, ăn sâu vào bờ từ khoảng 2-3m; bờ biển Giang Hải-Vinh Hiền tiếp tục xâm thực, xói lở dài 900m...

Người dân ý thức cao

Bão vừa tan, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã lập 4 đoàn đi kiểm tra, khắc phục hậu quả bão, chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu ăn, tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng, phòng ngừa dịch bệnh, sửa chữa trường học bị hư hại để sớm đưa vào sử dụng trong vài ngày tới. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó với bão, triển khai đồng bộ các phương án thực tế và người dân ý thức cao trong việc phòng ngừa, nên thiệt hại do bão số 4 gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được hạn chế ở mức thấp nhất.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, bão số 4 đã làm 3 nhà bị sập; 633 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 7 trường học bị tốc mái, hư hỏng... Cơn bão đổ bộ làm 172,5 ha hoa màu, 1 ha cây ăn quả, hơn 18 ha cây trồng hàng năm và 70 ha hành (huyện Lý Sơn) bị hư hỏng. Nhiều cây xanh bị ngã đổ... Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, một số địa phương có mưa lớn như tại Trà Bồng và Bình Sơn.

Các địa phương làm tốt công tác ứng phó với bão số 4-Noru ảnh 2Phố cổ Hội An bị ngập lụt sau bão số 4. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương, lực lượng liên quan tiếp tục theo dõi, bám sát thông tin diễn biến của thời tiết để kịp thời triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, núi và ven sông, suối; đồng thời khẩn trương khắc phục thiệt hại.

Tại Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất do bão số 4 gây ra. Theo báo cáo nhanh của huyện, bão số 4 khiến toàn huyện có 250 nhà dân bị tốc mái dưới 30%. Toàn huyện có 70 ha rau màu bị hư hại 100%, có 30 ha đất canh tác của người dân bị bồi lấp, 70% cây xanh cảnh quan trên địa bàn bị đổ gãy.

Hệ thống đường giao thông cơ động phía Đông Nam đảo bị sóng đánh nhiều đoạn hư hỏng, gây ách tắc giao thông. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các lực lượng tập trung kiểm kê, hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại. Các lực lượng cũng ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom cây xanh để sớm khôi phục giao thông trên đảo.

Do ảnh hưởng của bão số 4, tỉnh Quảng Trị có mưa lớn kéo dài, mực nước các sông dâng cao khiến nhiều địa phương ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông bị chia cắt. Ngành chức năng đã triển khai lực lượng chốt giữ tại các cầu tràn không cho người dân qua khu vực nguy hiểm để bảo toàn tính mạng…

Do chủ động trong các phương án phòng, chống bão số 4 nên đến 9 giờ sáng 28/9, tỉnh Gia Lai chưa ghi nhận thiệt hại về người, một số địa phương có thiệt hại về tài sản, nhưng không đáng kể.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 8 căn nhà bị tốc mái; một số diện tích tường rào, cổng chào bị gãy đổ; 16 căn nhà bị ngập; 2 con bò bị chết, một số diện tích lúa, mía, hoa màu bị ngập lũ, ngã đổ. Đã xuất hiện một khu vực xói lở, xâm lấn khu dân cư tại thôn Đoàn Kết, xã Chư Đăng, huyện Ia Pa. Một số địa phương bị mất điện, cây xanh ngã đổ, nhưng đã được nhanh chóng xử lý, phục vụ sinh hoạt của người dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, bão số 4 đã làm tốc mái 7 ngôi nhà ở các quận Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ. Các hộ dân đã được kịp thời sơ tán đến nơi an toàn, lực lượng chức năng đang tập trung giúp nhân dân khắc phục. Ngoài ra, 3.340 trạm biến áp bị mất điện, 252.849 khách hàng bị mất điện (hiện đã khôi phục cho 5.211 khách hàng). Công ty Điện lực thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương khôi phục toàn bộ hệ thống điện trên địa bàn. Toàn thành phố có khoảng 1.841 cây ngã đổ, 880 cây bị nghiêng. Trụ sở của một số cơ quan, đơn vị bị hư hỏng nhẹ…

Trong sáng 28/9, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có công văn cho cán bộ, công chức, viên chức đi làm lại từ chiều cùng ngày. Các sở, ban, ngành, địa phương tùy tình hình thực tế sớm khôi phục và triển khai các hoạt động bình thường. Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn thông báo cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ ngày 29/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục