Thích ứng giai đoạn bình thường mới, phát huy hiệu quả các dự án hiện có, tăng cường thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, dịch vụ là giải pháp đang được nhiều địa phương phía Nam thực hiện nhằm tạo đòn bẩy phục hồi, phát triển bền vững ngành kinh tế tổng hợp.
Định vị nhiều dự án
Với mục tiêu từng bước phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều địa phương đặc biệt quan tâm quy hoạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thời gian qua, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh có sự tăng trưởng đáng kể cả về chất lượng sản phẩm, doanh thu, lượng du khách và số lượng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này.
Từ những giải pháp về cơ chế, chính sách đẩy mạnh đầu tư, ngành kinh tế mũi nhọn này có tỷ lệ đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn từ 10-12% trong giai đoạn trước dịch COVID-19.
Điển hình như với lợi thế về hệ thống sông ngòi dày đặc gần 1.000km, thành phố đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch đường thủy.
Hiện có gần 30 doanh nghiệp đang kinh doanh, khai thác vận chuyển và phục vụ du lịch đường thủy với các sản phẩm du lịch tầm ngắn, tầm trung hoặc sản phẩm du dịch đường thủy tầm xa, có cự ly trên 60km, xuất phát từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đi Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc-An Giang để kết nối qua Campuchia…
Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 4.000 cơ sở lưu trú đang hoạt động. Các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại hiện diện ở hầu hết các quận, huyện, tạo nền tảng cơ bản cho phát triển sản phẩm du lịch kết hợp mua sắm.
Thành phố tập trung thu hút nhà đầu tư phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đan xen với loại hình chợ truyền thống trên các trục đường như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi.
Việc thu hút đầu tư đảm bảo kết hợp hài hòa giữa khu vực thương mại nổi và không gian thương mại ngầm dưới chợ Bến Thành, công trường Quách Thị Trang, trục đường ngầm thương mại Lê Lợi và Bến Bạch Đằng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vui chơi, giải trí của người dân và du khách.
Là địa phương trọng điểm về du lịch ở khu vực Nam Bộ, tỉnh Kiên Giang đã mời gọi, triển khai nhiều dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Đến hết năm 2021, Kiên Giang thu hút trên 320 dự án vào lĩnh vực du lịch; trong đó, riêng địa bàn thành phố Phú Quốc có 279 dự án đầu tư du lịch chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh.
[Du lịch chuyển đổi hướng xây dựng sản phẩm mới, điểm đến an toàn]
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, tại Phú Quốc đã triển khai được nhiều dự án lớn như: Vinpearl Phú Quốc, Vườn thú Safari Phú Quốc, Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Khem, cáp treo và quần thể vui chơi giải trí biển Hòn Thơm, sân Golf Phú Quốc, Khu vui chơi giải trí có thưởng Corona (casino), Công viên giải trí chuyên đề Vinwonder, Khu Grand World thành phố không ngủ, Công viên bảo tồn san hô Namaste..., thu hút lượng lớn du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng.
Còn tại khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có nhiều dự án du lịch chất lượng cao được hình thành, hoạt động hiệu quả như: khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro, khu du lịch phức hợp Hồ Tràm Strip, khu du lịch suối khoáng nóng Bình Châu, khu du lịch Lan Rừng Resort Phước Hải, khu du lịch Six Senses Côn Đảo, Resort Melia Hồ Tràm, góp phần tăng lượng khách, tăng doanh thu cho ngành du lịch địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ khẳng định giai đoạn 2021-2025, tỉnh ưu tiên dành quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư những tổ hợp du lịch quy mô lớn với các thương hiệu du lịch quốc tế cao cấp.
Đồng thời, tỉnh có kế hoạch phục hồi thương hiệu các địa danh du lịch nổi tiếng của địa phương trước đây; tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai các dự án du lịch.
Tỉnh cũng rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tạo không gian khai thác tối đa hiệu quả tuyến ven biển và khu vực phụ cận cho phát triển du lịch.
Từ góc độ doanh nghiệp, đề cập về quyết định đầu tư vào các dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dự án Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết hạ tầng giao thông kết nối ngày càng hoàn thiện.
Tỉnh có nhiều chính sách thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, xem lĩnh vực du lịch là một trong những trụ cột ưu tiên phát triển khiến doanh nghiệp tin tưởng, tiếp tục đầu tư.
Vào giữa tháng 12/2021, doanh nghiệp này đã khánh thành tòa tháp khách sạn thứ 2 với các phòng tiện nghi, đẳng cấp, đầy đủ tiện ích khép kín, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị) cho du khách khi đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tăng sức hấp dẫn đầu tư
Đề cập về giải pháp tăng cường đầu tư phát triển du lịch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho rằng đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động không nhỏ đến kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Để phục hồi và phát triển du lịch, trong thời gian tới các địa phương xác định cần có cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, tập trung triển khai các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết về phê duyệt Danh mục lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ưu tiên phát triển của thành phố, giai đoạn 2021-2025 thuộc đối tượng ưu tiên đầu tư trực tiếp và cho vay của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển đối với lĩnh vực du lịch.
Còn Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ thông tin tỉnh tiếp tục tạo thuận lợi để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc thuộc địa bàn bàn điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và huyện Côn Đảo là địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn của cả nước. Nhà đầu tư khi đầu tư dự án du lịch vào các địa bàn này sẽ được hưởng ưu đãi theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, công khai, minh bạch thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả xúc tiến đầu tư; ban hành chính sách phù hợp, dành quỹ đất hợp lý để thu hút đầu tư.
Nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết không làm phát sinh thêm thủ tục; từng bước cắt giảm thời gian giải quyết công việc.
Năm 2021 giảm 25% tổng thời gian quy định hiện đang thực hiện và năm 2022 tỉnh tiếp tục cắt giảm thêm 25% thời gian, ông Nguyễn Văn Thọ cho biết thêm.
Tại Cần Thơ - trung tâm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường chia sẻ thành phố hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư phát triển du lịch; rà soát, đánh giá hiệu quả thu hút đầu tư phát triển du lịch thời gian qua.
Đồng thời, thành phố đánh giá nguồn lực quan trọng, thúc đẩy thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch trong thời gian tới để đưa vào quy hoạch tích hợp của thành phố.
Cần Thơ tiếp tục tạo môi trường du lịch thông thoáng để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, vùng nông thôn, vùng sâu có sản phẩm du lịch đặc thù, có tiềm năng phát triển du lịch.
Thành phố khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại./.