Sóc Trăng, Hải Dương, Đắk Lắk, Đồng Tháp tiến hành nhiều biện pháp khác nhau phòng chống COVID-19 tùy tình hình diễn biến dịch trên địa bàn.
Áp dụng phân vùng phòng, chống COVID-19 sau khi kết thúc thực hiện Chỉ thị 16
Chiều 15/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có Quyết định về việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 bắt buộc theo mức độ nguy cơ tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Thời gian áp dụng từ 00 giờ, ngày 16/8/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đã thông qua Quyết định về việc phân loại mức độ nguy cơ dịch COVID-19 tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Theo đó, có 45 đơn vị xã, phường, thị trấn trong tỉnh được phân loại ở mức bình thường mới (vùng xanh), 28 đơn vị ở mức nguy cơ (vùng vàng), 27 đơn vị ở mức nguy cơ cao (vùng cam) và 9 đơn vị ở mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ).
Nhẹ nhất là mức độ áp dụng cho “vùng xanh” tương tự Chỉ thị 15 CT/TTg và “vùng đỏ” áp dụng các biện pháp được quy định theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng: Từ 00h ngày 16/8, tỉnh sẽ không tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg mà thay vào đó là linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 bắt buộc với từng địa phương.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào phân loại mức độ nguy cơ để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 bắt buộc tương ứng với từng mức độ nguy cơ.
Quyết định này được đưa ra sau Ban Chỉ đạo nhận thấy việc áp dụng giãn cách trên diện rộng bước đầu đã phát huy huy hiệu quả, ý thức phòng dịch, bệnh trong nhân dân được nâng lên, hệ thống chống dịch ở cơ sở được kiện toàn, tỉnh từng bước khống chế được dịch COVID-19 trong cộng đồng.
Việc linh hoạt áp dụng sẽ đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân ở các địa bàn không có dịch.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng: Hiện mỗi ngày, tỉnh Sóc Trăng có thể phát hiện vài chục ca nhiễm mới, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đòi hỏi phải quyết liệt hơn, chủ động, tích cực hơn, với phương châm “Phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, truy vết nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình."
Trong ngày 15/8, tỉnh Sóc Trăng có thêm 44 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số toàn tỉnh đến nay đã có 609 ca; trong ngày có thêm 3 người tử vong liên quan đến COVID-19, nâng tổng số đã có 11 người tử vong. Toàn tỉnh đến nay cũng đã có 132 người được điều trị khỏi bệnh.
Hải Dương: Triển khai phần mềm quản lý di biến động của người ra vào vùng dịch tại các chốt kiểm dịch
Công an tỉnh Hải Dương đã triển khai áp dụng thực hiện phần mềm quản lý di biến động của người ra vào vùng dịch tại 28 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh từ ngày 14/8.
Việc triển khai phần mềm quản lý di biến động của người ra vào vùng dịch tại các chốt kiểm soát sẽ tiết kiệm thời gian cho người dân và lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch, không để xảy ra tình trạng ùn ứ tại các chốt, đồng thời tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý dân vùng dịch, quản lý di biến động của người ra vào vùng dịch và quản lý tiêm chủng vắc xin phòng ngừa COVID-19.
Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an cấp huyện chủ động trang bị đầy đủ máy tính có kết nối Internet nhằm đảm bảo phục vụ tốt việc khai thác phần mềm kiểm soát người ra vào vùng dịch tại các chốt kiểm dịch thuộc địa bàn địa phương được giao quản lý.
Đến ngày 15/8, Hải Dương đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát và điểm phát wifi để phục vụ người dân quét mã QR tại 28/28 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh.
Hệ thống camera giúp nâng cao hiệu quả kiểm soát người và phương tiện của lực lượng chức năng tại mỗi chốt, phục vụ công tác truy vết trong trường hợp cần thiết. Đồng thời ghi lại hình ảnh những trường hợp chống đối, không tuân thủ quy định tại chốt để xử lý.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, chiều 15/8, toàn bộ cán bộ nhân viên của Viettel Post tại Hải Dương đã cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Trước đó, nhiều nhân viên của Viettel Post và Viettel Logicstic chi nhánh tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các cơ quan chức năng chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cán bộ, nhân viên của Viettel Post Hải Dương.
Ngày 15/8, Hải Dương tiếp tục ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc COVID-19. Các trường hợp này đều ở các xã, thị trấn của huyện Gia Lộc.
Từ 27/4 đến nay, Hải Dương ghi nhận 168 trường hợp mắc COVID-19 và đã có 65 trường hợp đã khỏi bệnh và ra viện, các trường hợp còn lại đang được điều trị tại các bệnh viện và Trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh.
Hải Dương hiện có 13.439 trường hợp đang cách ly; trong đó, 1.591 trường hợp cách ly tập trung, 11.782 trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Đắk Lắk đón 388 công dân thuộc các đối tượng ưu tiên từ tỉnh Bình Dương trở về
Tối 15/8, Đoàn công tác đón công dân trở về của tỉnh Đắk Lắk đã đưa 388 công dân đang sinh sống, học tập, làm việc tại tỉnh Bình Dương về đến nơi an toàn.
Công dân về đợt này thuộc đối tượng ưu tiên nhóm 1 như: Người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng; thân nhân đi cùng trẻ em dưới 10 tuổi, người già, phụ nữ mang thai,… có nhu cầu về lại nơi cư trú.
Theo Công văn số 101/PA-BCĐ do Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Đắk Lắk ban hành ngày 14/8/2021 về hỗ trợ đưa công dân tỉnh Đắk Lắk từ tỉnh Bình Dương trở về địa phương, việc hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu trở về phải đảm bảo bảo an toàn, đúng quy định phòng chống dịch, hạn chế mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch ra cộng đồng. Tất cả bà con đã được xét nghiệm với SARS-CoV-2 và có kết quả âm tính trước khi lên xe trở về địa phương.
Khi về đến tỉnh, công dân được lực lượng chức năng và đoàn viên thanh niên hướng dẫn xuống xe, nhận những suất đồ ăn, nước uống đã được Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị. Sau đó, người dân sẽ cách ly tập trung tại các khu cách ly của tỉnh 14 ngày theo quy định.
Chị Nguyễn Thị Hà, sinh năm 1991, thôn 12, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk không may bị bệnh viêm xương dẫn đến khuyết tật hai chân đã 8 năm nay.
Đầu năm 2021, chị vào làm tình nguyện viên chăm sóc em nhỏ, người già ở một trung tâm khuyết tật của tỉnh Bình Dương. Dịch ở Bình Dương diễn biến phức tạp, chị Hà xin đăng ký được đoàn công tác đón về, khi dịch ổn định, chị sẽ tiếp tục trở lại Bình Dương làm công việc ý nghĩa ấy.
Được đón về đợt này có gia đình chị Cao Thị Hà, xã Ia Lê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Vợ chồng chị cùng con nhỏ 7 tháng tuổi vào Bình Dương được 4 tháng nay, vào đó, chồng làm công nhân, chị ở nhà trông con.
Dịch phức tạp, công ty cho nghỉ việc khiến vợ chồng chị khó khăn trong chi tiêu, vừa lo sợ cho sức khỏe con nhỏ. Được tỉnh đón về địa phương, vợ chồng chị Hà rất vui và xúc động.
Đoàn 24 xe khách đi đón công dân về do Tập đoàn Phương Trang hỗ trợ về phương tiện lẫn chi phí vận chuyển trong suốt hành trình. Lái xe đã được tiêm vaccine phòng dịch COVID-19, xét nghiệm âm tính, tập huấn nhằm đảm bảo cho việc vận chuyển an toàn, đúng tiến độ. Công dân và đoàn công tác đều được trang bị đồ bảo hộ trong suốt quá trình di chuyển.
Dự kiến, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục đón công dân tại tỉnh Đồng Nai vào ngày 20/8 và đón tại tỉnh Tây Ninh vào ngày 25/8.
Đồng Tháp tạm dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố Sa Đéc từ 0 giờ ngày 16/8
Tại cuộc giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Đồng Tháp vào tối 15/8, bà Võ Thị Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc thông tin, sẽ tạm dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) bắt đầu từ 0 giờ ngày 16/8 đến ngày 25/8.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc thông tin, tính từ 24/6 đến 15/8, thành phố ghi nhận hơn 2000 ca mắc COVID-19. Hiện, toàn thành phố có 138 điểm phong tỏa cục bộ trên 102 tổ dân cư với 2467 hộ, 7.406 nhân khẩu.
Trong 10 ngày tới, thành phố Sa Đéc sẽ đóng cửa các chợ, tăng cường chốt, chặn và sắp xếp lại các chốt chặn cho hợp lý, quản lý được hiệu quả; siết chặt bên trong các khu phong tỏa. Đồng thời, tăng cường hệ thống cung ứng, phân phối hàng hoá thiết yếu cho người dân.
Bà Bình cho biết, đã huy động các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, đoàn thanh niên, ban quản lý chợ,… với trên 250 người để thành lập các tổ cung ứng các đội xung kích, tình nguyện để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân.
Mặt khác, sẽ tuyên tuyền cho người dân hiểu rõ về chủ trương siết chặt hơn trong 10 ngày nữa để chiến thắng dịch bệnh, từ đó tạo được sự đồng thuận, hợp tác của toàn dân.
Đặc biệt, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh việc khoanh vùng, tầm soát, xét nghiệm, truy vết, tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, thực hiện truy vết nhanh các trường hợp F1 và các trường hợp F2 để thực hiện các biện pháp thu dung, cách ly, phòng, chống dịch COVID-19; xây dựng và mở rộng dần các “Vùng xanh,” thu hẹp “Vùng đỏ,” “Vùng vàng.”
Trước diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, các khu phong tỏa tại thành phố Sa Đéc, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp quyết định thành lập Tổ công tác trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Sa Đéc (gọi tắt là Tổ công tác 229), do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phan Văn Thắng làm tổ trưởng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng yêu cầu thành phố Sa Đéc thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”; thực hiện cách ly tuyệt đối “người với người,” “nhà với nhà,” “khóm, ấp với khóm, ấp,” “xã, phường với xã, phường”; cấm đi ra khỏi khu phong tỏa, giao lưu với mọi hình thức trong khu phong tỏa; thực hiện nghiêm việc cấm người dân đi ra ngoài, trừ lực lượng phòng, chống dịch và trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp về y tế; kiểm tra chặt chẽ người ra vào thành phố.
Các trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự.
Với mục tiêu dập dịch tại “điểm nóng” tại thành phố Sa Đéc trong 10 ngày tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng rất cần sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân.
Đồng thời yêu cầu các khu phố, ấp, tổ, phải thành lập nhóm Zalo với sự tham gia củaBí thư, Phó Bí thư Chi bộ khóm, ấp, Bí thư Đảng uỷ xã, phường, kể cả Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn. Qua đó, giải thích, tuyên truyền, vận động người dân và chỉ đạo xử lý nhanh các vấn đề thiết yếu của người dân.
Ngoài ra, địa phương phải tăng cường kiểm tra, rà soát tất cả doanh nghiệp đang hoạt động phải bảo đảm “3 tại chỗ,” đóng cửa ngay các không bảo đảm điều kiện.
Trước mắt, trong thời gian từ nay đến 25/8, chưa giải quyết đề nghị của bất kỳ trường hợp doanh nghiệp nào xin tái sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, trong ngày 15/8, Đồng Tháp ghi nhận thêm 273 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 22/29 trường hợp phát hiện trong cộng đồng qua test sàng lọc tại thành phố Sa Đéc.
Tính đến 17 giờ ngày 15/8, Đồng Tháp đã có 5.059 ca mắc COVID-19, trong đó 2.640 bệnh nhân đã được xuất viện, 100 trường hợp tử vong.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đã quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 25/8/2021./.