Mưa lớn kéo dài tại khu vực phía Bắc tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại cho các địa phương Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, như ngập úng cục bộ và nhiều ha hoa màu, nhà cửa bị hư hại, thậm chí còn ghi nhận một số trường hợp tử vong do lũ cuốn.
Thái Nguyên: Chủ động phương án ứng phó thiên tai, rà soát các khu vực mỏ nguy cơ mất an toàn
Mưa liên tục và kéo tài từ ngày 22/5 đến nay đã gây thiệt hại tại nhiều địa phương trong tỉnh Thái Nguyên. Công tác khắc phục sự cố đang được lực lượng chức năng và các địa phương khẩn trương thực hiện.
Theo đó, mưa lớn đã khiến 1 ngôi nhà bị nứt, 5 nhà bị sạt lở ta luy, 1 nhà bị sập mái, 22 nhà có nguy cơ phải di dời. Ngoài ra, mưa cũng khiến hơn 1.200ha lúa, ngô, rau màu và 65ha chè bị ngập, 1 ao nuôi cá bị vỡ thiệt hại 2 tấn cá.
Tại các huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, thành phố Sông Công, Phổ Yên, Thái Nguyên nhiều ngầm tràn bị ngập nước, một số khu vực bị sạt lở; trên tuyến đường ĐT 270 giáp ranh xã Tân Thái và thị trấn Hùng Sơn (huyện Đại Từ) có 41 điểm bị ngập úng, sạt lở gây chia cắt. Một số nơi tại huyện Đại Từ bị đổ cột điện, các hồ chứa mực nước đã vượt ngưỡng tràn…
Các địa phương đã huy động tối đa lực lượng khắc phục hậu quả và tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
[Chuyên gia: Mưa bão khả năng dồn dập vào cuối năm, thiên tai khốc liệt]<
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên cũng ban hành công điện hỏa tốc yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương và doanh nghiệp trong toàn tỉnh sẵn sàng chủ động phương án ứng phó với thiên tai. Trong đó lưu ý các huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên khẩn trương kiểm tra rà soát, đảm bảo an toàn đối với các mỏ khai thác khoáng sản, bãi đổ thải, hồ chứa bùn thải, đặc biệt là đối với các khu vực mỏ có nguy cơ mất an toàn như: Mỏ than Minh Tiến, mỏ sắt Trại Cau, mỏ than Phấn Mễ, mỏ than Khánh Hòa, mỏ sắt Tiến Bộ, mỏ sắt Đại Khai, mỏ than Bá Sơn…
Hiện nay, tại hồ Núi Cốc, mực nước đã vượt qua mức báo động cấp II 54 cm (báo động cấp II là 4.700cm), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác Thủy lợi Thái Nguyên vẫn đang tiếp tục mở tràn xả lũ với lưu lượng khoảng 300m3/s.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, đêm 24/5, các khu vực trong tỉnh vẫn có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 120mm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực vùng núi và ngập úng vùng trũng.
Các địa phương cần tiếp tục chủ động phương án phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gay ra.
Bắc Kạn: 19 ngôi nhà bị sạt lở do mưa to kéo dài
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy về phòng chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn: Do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Nam đồng bằng Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió lên đến 5.000m, nên từ ngày 22-24/5, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có mưa vừa, mưa to diện rộng với lượng mưa đo được từ 70-150mm trong 24 giờ.
Trên sông suối xuất hiện lũ với biên độ từ 1 đến 2m, trên sông Cầu tại Thác Giềng xuất hiện lũ dưới báo động cấp 1.
Tính tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có 19 ngôi nhà bị hư hại do sạt lở taluy, rất may là không có thiệt hại về người. Về nông nghiệp và thủy sản đã có 97,42 ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập (tập trung chủ yếu tại huyện Chợ Đồn bị thiệt hại 83 ha, tại huyện Ba Bể thiệt hại gần 14 ha…).
Đã có 23 điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông. Các địa phương đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ khắc phục thông đường tạm thời, khối lượng đất đá sạt lở khoảng 4.700 m3. Mưa to còn khiến 30m kênh đất bị sạt lở.
Văn phòng Ban chỉ huy về phòng chống thiên tai tỉnh, các cấp trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo cảnh báo thông tin đến các đơn vị địa phương để chủ động các biện pháp ứng phó.
Các đơn vị quản lý, khai thác công trình hồ chứa nước theo dõi mực nước trong hồ, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa đảm bảo công trình và vùng hạ du. Chính quyền các cấp đã tổ chức chỉ đạo khắc phục theo phương châm 4 tại chỗ, cập nhật thống kế, báo cáo theo quy định.
Hà Nội: Mưa lớn gây úng ngập hơn 4.000 ha lúa, rau màu
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, từ đêm 21 đến ngày 24/5 trên địa bàn thành phố liên tục xảy ra mưa vừa, mưa to, đã làm hơn 4.050ha lúa, hoa màu bị ngập; trong đó có 3ha lúa bị ngập trắng, 3.008ha lúa bị ngập một nửa thân cây, 1.039ha rau màu ngập nước.
Các huyện có nhiều diện tích bị ngập là Mê Linh, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ…
Tổng lượng mưa, tính từ 7 giờ ngày 22 đến 7 giờ ngày 24/5 tại điểm đo cụ thể như sau: Mê Linh 333mm, Sơn Tây 304mm, Hà Đông 231mm, Sóc Sơn 203mm, Ba Vì 128,9mm…Mưa lớn khiến mực nước các sông dâng nhanh.
Ngày 24/5, mực nước các sông Tích, Cà Lồ, đoạn chảy qua các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây, Đông Anh, Sóc Sơn đã vượt báo động lũ cấp I. Nước sông Bùi, Nhuệ, Đáy dâng cao. Đặc biệt, mực nước các hồ Kèo Cà (huyện Sóc Sơn), Đồng Sương và Miễu (huyện Chương Mỹ) đã vượt ngưỡng tràn.
Về thiệt hại, mưa lớn đã làm đổ 11 cây xanh có đường kính trung bình 20-30cm; gây úng ngập 12 điểm giao thông thuộc các quận: Long Biên, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức.
Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp hội tụ trên cao suy yếu nên đêm nay (24/5), thành phố Hà Nội tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to.
Dự báo 7 giờ ngày 25/5 mực nước sông Tích đạt mức 7,1m, vượt báo động lũ cấp II; sông Cà Lồ đạt 6,3m, vượt báo động lũ cấp I; sông Bùi đạt mức 5,8m, dưới báo động lũ cấp I.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã lệnh báo động lũ số I trên sông Tích, sông Cà Lồ; đồng thời, yêu cầu các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây, Đông Anh, Sóc Sơn chỉ đạo các xã ven đê và đơn vị liên quan khẩn trương triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó với mưa lũ.
Các sở, ngành, địa phương tăng cường thông tin diễn biến thời tiết, mưa lũ để người dân biết, chủ động triển khai biện pháp phòng tránh. Các doanh nghiệp thủy lợi, thoát nước chủ động vận hành hệ thống tiêu úng. Các hạt quản lý đê, khai thác hồ thủy lợi tăng cường kiểm tra, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ bảo đảm an toàn đê điều, đập, hồ...
Thực hiện chỉ đạo trên, trong ngày 24/5, các doanh nghiệp thủy lợi trên địa bàn thành phố đã vận hành 58 trạm với 239 máy bơm, tổng lưu lượng 907.000m3 nước tiêu úng bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp…
Các huyện vận động người dân thu hoạch lúa, hoa màu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”…
Mưa lớn kéo dài gây nhiều thiệt hại tại Yên Bái
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Trung Bộ kết hợp với hội tụ gió lên đến 5.000m, nên từ ngày 23 đến sáng 24/5 tại các địa phương của tỉnh Yên Bái có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Mưa lớn kéo dài đã làm ảnh hưởng và thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, công trình giao thông và nhà cửa của người dân trong tỉnh.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đến 16 giờ ngày 24/5, trên địa bàn toàn tỉnh có 48 hộ bị ảnh hưởng và thiệt hại về nhà cửa, trong đó có 15 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn do sạt lở đất, sạt lở bờ sông; 33 ngôi nhà bị sạt lở taluy.
Về nông nghiệp, có trên 80 ha lúa và 67,3 ha ngô, hoa màu bị ngập úng, vùi lấp. Mưa lớn gây sạt lở đất cũng đã làm thiệt hại 154.800 cây giống và 90 con gia cầm; nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị ngập và sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ước thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng.
Ông Phạm Quốc Hưng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết, ngay khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương trong tỉnh đã huy động lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại, di dời tài sản đến nơi an toàn.
Tại các điểm ngập lụt, các đơn vị quản lý giao thông đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương lập rào chắn và cảnh giới an toàn giao thông.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại, theo dõi thời tiết, giữ liên lạc 24/24 giờ, kịp thời ứng phó, báo cáo khi có thiệt hại xảy ra.
Hòa Bình: Mưa lớn diện rộng, một người tử vong do lũ cuốn
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, mưa lớn diện rộng kéo dài từ ngày 21 đến chiều 24/5 đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Một số địa phương có lượng mưa lớn nhất như xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình là 305,8mm; xã Tiến Sơn, huyện Lương Sơn 280,4mm; xã Đoàn Kết, huyện Đà Bắc 319,6mm; xã An Bình, huyện Lạc Thủy 348,4mm…
Tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn có một người thiệt mạng do bị lũ cuốn trôi.
Cụ thể, vào khoảng 10 giờ ngày 24/5, người dân đã phát hiện thi thể nạn nhân đuối nước tại khu vực suối Văn, Tiểu khu Mòng, thị trấn Lương Sơn. Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Văn Nho (sinh năm 1937) trú tại tiểu khu Mòng, thị trấn Lương Sơn.
Theo thông tin của anh Nguyễn Văn Đức (con trai ông Nho), lúc 17 giờ ngày 23/5, gia đình đi làm về không thấy ông Nguyễn Văn Nho ở nhà nên đã đi tìm nhiều nơi nhưng không thấy.
Sau đó, gia đình nhận được tin báo rồi đến hiện trường và xác định ông Nho đã tử vong do lũ cuốn trôi.
Ngoài ra, mưa lớn đã làm sạt lở khoảng 400 m3 đất đá, ảnh hưởng 13 ngôi nhà thuộc địa bàn xã Ngổ Luông, Suối Hoa và xã Đông Lai, huyện Tân Lạc.
Tại huyện Lương Sơn, sạt lở móng nhà văn hóa thị trấn dài khoảng 13m; đổ 460m tường rào của 1 hộ dân. Mưa lớn cũng đã gây ngập úng cục bộ một số hộ dân khu vực xóm Trung Mường, xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình và huyện Yên Thủy.
Tại huyện Mai Châu, mưa lớn làm sạt lở khoảng 3.000m3 đất, đá làm đổ sập và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn 20m tường bao, gây mất an toàn toàn cho trường mầm non và 6 hộ dân khu dân cư Phiêng Xa, xã Đồng Tân. Hiện vẫn tiếp tục sạt lở vào móng tường khu nhà vệ sinh, nguy cơ cao sụt lún sập đổ nhà vệ sinh của nhà trường.
Ngoài thiệt hại về người, nhà cửa, mưa lớn cũng làm 545,97 ha lúa, hoa màu bị ngập úng và ách tắc nhiều tuyến đường tại huyện Lương Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình.
Để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình đã đôn đốc các địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp tiêu thoát úng cho hoa màu; cắm biển cảnh báo khu vực mất an toàn, ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời, các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ kéo dài để có biện pháp ứng phó phù hợp./.