Các doanh nghiệp Đức trong cuộc đua cắt giảm chi phí năng lượng

Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ BVMW dự báo gần như tất cả các hãng chế tạo ở Đức sẽ sử dụng năng lượng mặt trời vào năm 2030, trong xu hướng chuyển đổi năng lượng để cắt giảm chi phí.

Các công ty Đức ngày càng có xu hướng chuyển sang năng lượng mặt trời. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các công ty Đức ngày càng có xu hướng chuyển sang năng lượng mặt trời. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Được khuyến khích bởi cơ chế giá điện feed-in tariff (FIT), các công ty Đức ngày càng có xu hướng chuyển sang năng lượng mặt trời để khắc phục tình trạng chi phí năng lượng cao.

Cơ chế giá điện FIT là một công cụ hỗ trợ các nhà sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, được khuyến khích bằng hợp đồng mua điện giá cố định dài hạn cho các nhà đầu tư sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, cùng nghĩa vụ mua và quyền tiếp cận lưới điện được đảm bảo sẽ giúp tăng tính an toàn cho nhà đầu tư. Qua đó, cơ chế này nâng cao tính cạnh tranh của năng lượng tái tạo so với các dạng năng lượng truyền thống.

Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine và Nga đột ngột giảm xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sang Đức, Chính phủ Đức đã ban hành các luật nhằm đẩy nhanh việc mở rộng năng lượng mặt trời. Đây là một phần trong kế hoạch cung cấp 80% năng lượng của đất nước từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.

Mặc dù Đức có công suất sản xuất điện gió và mặt trời lớn nhất châu Âu, nhưng các công ty vừa và nhỏ của nước này vẫn chưa được hưởng lợi từ giá điện thấp hơn do phí lưới điện và thuế cao. Bằng cách tự sản xuất điện mặt trời, các công ty này tránh được các khoản thuế và phí đó.

Dữ liệu của BDEW, một hiệp hội kinh doanh của Đức trong ngành năng lượng và nước, cho thấy các công ty đã tiêu thụ khoảng 69% lượng điện quốc gia của Đức vào năm 2023.

Theo dữ liệu của hiệp hội năng lượng mặt trời BSW, công suất pin mặt trời mới được lắp đặt trên mái của khu vực doanh nghiệp tăng 81% trong bốn tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng 1% trong khu vực dân cư.

Một cuộc khảo sát vào tháng Năm vừa qua của công ty nghiên cứu thị trường YouGov cho thấy, hơn một nửa số công ty Đức đã lên kế hoạch lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trong ba năm tới.

Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ BVMW dự báo gần như tất cả các hãng chế tạo ở Đức sẽ sử dụng năng lượng mặt trời vào năm 2030.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Enpal, công ty phát triển năng lượng mặt trời dân dụng lớn nhất của Đức, hồi tháng Tư cho biết đang mở rộng sang lĩnh vực thương mại.

Ông Melchior Schulze Brock, Giám đốc điều hành của Enviria, một công ty khởi nghiệp về năng lượng mặt trời, nhận định sự tăng trưởng trong nhu cầu đối với năng lượng mặt trời sẽ rất bền vững.

Một nghiên cứu vào tháng Tư của Viện Sinh thái Ứng dụng Freiburg cho thấy có khả năng lắp đặt tới 287 gigawatt (GW) công suất điện mặt trời dọc theo các tuyến đường, đường sắt, bãi đậu xe và khu công nghiệp của Đức, vượt xa mục tiêu 215GW vào năm 2030 của chính phủ nước này.

Điều này có thể giảm đáng kể sự phụ thuộc vào đất nông nghiệp, nơi việc cấp phép và phê duyệt quy hoạch có thể mất đến 10 năm.

Giá tấm pin mặt trời giảm trên toàn cầu kể từ năm ngoái đã thúc đẩy các công ty ứng dụng năng lượng mặt trời.

Để kích thích nhu cầu hơn nữa, Đức đã thông qua một gói luật vào tháng Tư nhằm nới lỏng quy định và tăng trợ cấp cho các hệ thống điện mặt trời áp mái lớn.

Các khoản trợ cấp của nhà nước cho các dự án điện mặt trời áp mái quy mô lớn, được đưa ra vào năm 2021 và được lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu, cũng thúc đẩy xu hướng này.

Sunrock, công ty đã được Mercedes Benz lựa chọn để xây dựng dự án năng lượng mặt trời 23 megawatt trên mái nhà máy của công ty này, xem Đức là thị trường cốt lõi của mình trong năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.