Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản bi quan về triển vọng kinh tế

Theo kết quả khảo sát công bố ngày 2/1 của hãng tin Kyodo, không có doanh nghiệp nào cho rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản bi quan về triển vọng kinh tế ảnh 1Trụ sở Tập đoàn sản xuất xe ôtô Toyota Motor Corp. của Nhật Bản ở tỉnh Aichi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo kết quả khảo sát công bố ngày 2/1 của hãng tin Kyodo, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản ngày càng bi quan về tình hình kinh tế đất nước, do lo ngại về căng thăng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tác động từ việc tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 10/2019.

Cuộc khảo sát được tiến hành với 113 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Toyota Motor Corp., NTT Docomo Inc. và Sony Corp., cho thấy 19% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ nhích dần lên, so với tỷ lệ 23% trong cuộc khảo sát hồi mùa Hè 2019.

Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào cho rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Cuộc khảo sát được tiến hành từ đầu tháng 11 đến đầu tháng 12/2019 cũng cho hay, khoảng 61% số doanh nghiệp nói rằng kinh tế Nhật Bản đang chững lại, trong khi 19% nhận thấy kinh tế đang dần rơi vào suy thoái.

Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, 26% cho rằng “thương mại sụt giảm do chủ nghĩa bảo hộ lan rộng” là nguyên nhân chính và 14% chọn nguyên nhân là do “kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại."

Trung Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" trong tháng 12/2019 sau khi tiến hành các biện pháp trả đũa thuế quan lẫn nhau trong hơn một năm qua.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vẫn tỏ ra thận trọng khi đánh giá liệu mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có cải thiện hay không.

Khoảng 32% số doanh nghiệp tham gia khảo sát chọn “hoạt động tiêu dùng ảm đạm” là nguyên nhân chủ yếu do tác động từ việc tăng thuế tiêu dùn từ 8% lên 10% hồi tháng 10/2019.

Tuy vậy, bất chấp tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, 63% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nói việc tăng thuế tiêu dùng là “quyết định hợp lý” của chính phủ để phục hồi tài chính.

Đối với năm 2020, 43% số doanh nghiệp mong chờ nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhờ Thế vận hội và Paralympics mùa Hè được tổ chức tại Tokyo.

Về quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc, vốn đã rơi vào tình cảnh xấu nhất trong nhiều thập niên trong năm 2019 do những khác biệt về vấn đề thương mại và bền bù cho lao động thời chiến, 42% số doanh nghiệp kêu gọi Chính phủ Nhật Bản “khôi phục tình hình về mức bình thường.”

Quan hệ hai nước xấu đi đã dẫn tới làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản tại thị trường Hàn Quốc.

Liên quan đến việc Chính phủ Nhật Bản cân nhắc khả năng siết chặt các quy định đối với các đại gia công nghệ thông tin như Amazon.com Inc., Apple Inc., Facebook Inc. và Google LLC, chỉ 7% ủng hộ ý tưởng này.

Khoảng 29% hy vọng chính phủ sẽ có một cuộc thảo luận “thận trọng” do việc thắt chặt các quy định có thể gây tổn hại cho công cuộc đổi mới công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.