Doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn đang thiếu các thông tin về thị trường, đặc biệt là ở các thị trường mới, do đó rất cần sự hỗ trợ thông tin kịp thời của phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng như Tham tán thương mại Việt Nam ở các nước.
Nội dung trên được nhiều doanh nghiệp, địa phương phản ánh tại Hội nghị về phát triển thị trường xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 22/2.
Cơ hội từ các thị trường chính
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2015, khu vực châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam với số lượng trên 4,8 triệu tấn, chiếm hơn 74% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc chiếm 33%, Philippines chiếm trên 18%, Indonesia 9,7%, Malaysia hơn 8%... Tiếp đó là khu vực châu Phi chiếm gần 14%; châu Mỹ gần 7%...
Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong năm 2016, xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan và một số nước xuất khẩu gạo tiềm năng là Campuchia, Myanmar. Lợi thế cạnh tranh về giá của Việt Nam hiện đã không còn như các năm trước do tồn kho gạo cũ lớn của Thái Lan và lợi thế về địa lý của Pakistan và Ấn Độ.
Công tác tại thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam, ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết định hướng của Chính phủ Trung Quốc là tăng cường sản xuất lương thực thực phẩm để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nên nước này vẫn phải nhập khẩu một số lương thực, trong đó có gạo. Từ năm 2012 đến nay, nhập khẩu gạo của Trung Quốc liên tục tăng và Việt Nam đang là thị trường cung cấp gạo lớn nhất của đất nước này, chiếm 54% tổng sản lượng gạo nhập khẩu (số liệu năm 2015).
Theo ông Bùi Huy Hoàng, với xu hướng chính quyền Trung Quốc tiếp tục tạm trữ gạo ở mức giá sàn thì chênh lệch giá giữa gạo nội địa và nhập khẩu vẫn ở mức cao. Do đó, vấn đề nhập khẩu gạo ở thị trường này vẫn có xu hướng tăng trong năm 2016.
Đáng chú ý, tại thị trường Hàn Quốc, ông Chu Thắng Trung, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết nước này vừa ban hành cơ chế mới liên quan đến ngành hàng gạo; trong đó có một số thay đổi có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo ông Trung, trước đây, cơ chế cũ bắt buộc Hàn Quốc phải nhập 30% lượng gạo dùng làm lương thực. Tuy nhiên, do chủng loại gạo Hàn Quốc khác với gạo Việt Nam nên lượng gạo này thường rơi vào tay các nước đối thủ; đồng thời việc đấu thầu gạo trước đó chỉ được cam kết dành cho bốn nước là Trung Quốc, Mỹ, Australia và Thái Lan. Tuy nhiên, cơ chế mới này sẽ không phân biệt việc nhập khẩu gạo dùng làm lương thực hay dùng để chế biến thực phẩm và quy định nước tham gia đấu thầu mà tất cả các nước đều có cơ hội tham gia như nhau.
Với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc đã được ký kết và cơ chế mới này, hy vọng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội để xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường này.
Doanh nghiệp “khát” thông tin
Long An là địa phương đứng đầu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về hạ tầng, máy móc thiết bị chế biến, bảo quản lúa gạo sau thu hoạch. Thế nhưng, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết địa phương này vẫn còn gặp nhiều khó khăn về xuất khẩu gạo, cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo ông Hồng, phía địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện rất cần các thông tin liên quan đến thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn ở thị trường Trung Quốc, đây là thị trường có diễn biến hết sức phức tạp, doanh nghiệp rất cần thông tin về thời điểm cấp quota, phí quota, chính sách mua tạm trữ… Sự thay đổi các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến giá xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp rất cần các thông tin kịp thời để lượng hóa được chi phí, giúp doanh nghiệp tránh bị “hố” khi ký hợp đồng.
“Đầu năm 2015, có một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Long An khi xuất khẩu vào thị trường Châu Phi đã bị lừa đảo về bộ chứng từ giả. Mặc dù sau khi nhờ sự can thiệp của Tham tán thương mại đã lấy được hàng nhưng cũng bị tổn thất lên đến 5-6 tỷ đồng. Thiệt hại này là nguyên nhân của việc nắm bắt thông tin không kịp thời," ông Hồng dẫn chứng.
Về vấn đề hỗ trợ thông tin về các thị trường mới, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ), đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các Tham tán thương mại ở khu vực châu Mỹ-Latinh hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đặc biệt là việc truy xuất mặt hàng gạo theo lộ trình TPP… Trong đó, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp tư vấn các trường hợp có thể xảy ra tranh chấp thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước sở tại; đồng thời, nắm được các đối thủ cạnh tranh chính tại các thị trường về chính sách bán hàng, cơ chế giá... cũng như tiếp cận được với các công ty phân phối ở các thị trường nhập khẩu.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay, Trung Quốc và Đông Nam Á là những thị trường chính của xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam cần mở rộng phát triển gạo cao cấp, đặc biệt là ở các nước mà Việt Nam đã và đang ký kết các hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc vào các thị trường chính.
“Việc phát triển một thị trường mới cần đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giá bán và công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị. Trong đó, công tác xúc tiến thương mại phụ thuộc nhiều vào các tham tán, thương vụ, cần sự hỗ trợ của Nhà nước và các địa phương," ông Huệ nói.
Trước nhu cầu của doanh nghiệp và phản ánh của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Xuất nhập khẩu chủ trì phối hợp với VFA nghiên cứu cứu xây dựng đề án nâng cao năng lực kinh doanh và tiếp cận thị trường của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, tập trung phát triển thị trường của doanh nghiệp ở thị trường trọng điểm của mặt hàng gạo Việt Nam; chú trọng nghiên cứu thị trường, maketing, đàm phán, xử lý tranh chấp quốc tế…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường tuyên tuyền, phổ biến về các FTA thế hệ mới tới các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo và người nông dân để nâng cao nhận thức, năng lực của doanh nghiệp và người sản xuất trong việc tận dung các lợi ích và hạn chế, có biện pháp ứng phó phù hợp với thách thức mà Hiệp định tạo ra./.