Bình Dương đang thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những dự án áp dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị kinh tế lớn, dự án thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động… để chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới. Đây cũng là chiến lược về thu hút đầu tư đang được tỉnh Bình Dương đặt ra để hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, thời gian gần đây nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút vào Bình Dương đã thay đổi về chất lượng rõ rệt.
Cụ thể, dự án sản xuất đồ chơi LEGO có vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD được cho áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp hoàn toàn định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương về phát triển kinh tế xanh đang trong quá trình triển khai xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024.
Theo ông Preben Elef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO cho biết nhà máy đầu tư vào Bình Dương là dự án trung hòa carbon đầu tiên của LEGO được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.
Nhà máy không có khí thải carbon, nguồn điện sử dụng hoạt động là năng lượng tái tạo cung cấp từ hệ thống tấm pin mặt trời từ cánh đồng pin ngay bên cạnh nhà máy. Qua đó, nhà máy được xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn của Leed Gold - chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu, góp phần vào mục tiêu giảm 37% lượng khí thải carbon.
Tiếp nối dự án tỷ USD trên, dòng vốn FDI đầu tư vào Bình Dương trong thời gian gần đây là những dự án được quan tâm về giảm khí thải carbon như dự án của Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) xây dựng nhà máy sản xuất với vốn đầu tư 100 triệu USD để hiện thực hóa một cơ sở chế tác trang sức mới mang đẳng cấp thế giới tại Bình Dương. Nhà máy được xây dựng theo tiêu chuẩn Leed Gold - một chứng nhận hàng đầu về công trình xanh và sử dụng hoàn toàn 100% năng lượng tái tạo.
[Khởi công xây dựng nhà máy LEGO tại Bình Dương]
Cùng với đó, Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư 200 triệu USD để thành lập khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon đầu tiên của Việt Nam trên diện tích 180ha tại Cụm công nghiệp Tam Lập 2, huyện Phú Giáo.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC), cho biết vừ qua Becamex IDC và Công ty Sembcorp Development LTD (Singapore) vừa ký kết hợp tác thực hiện 5 khu công nghiệp theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.
Hiện các doanh nghiệp Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam để tăng cường đầu tư vào hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo với mục tiêu đầy tham vọng là đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nổi bật, Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, tại thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) có diện tích 1.000ha được quy hoạch thành khu công nghiệp “ thế hệ mới” hướng đến phát triển xanh, bền vững, tích hợp công nghệ thông minh và ứng dụng khoa học công nghệ, biến nơi đây thành một khu đổi mới sáng tạo trong mô hình chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết Bình Dương đang tập trung phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với mục tiêu chuyển đổi số, kinh tế số. Theo đó, Bình Dương xây dựng chiến lược phát triển xanh bám sát vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Cụ thể trong thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh phù hợp với Bình Dương.
Việc phát triển xanh của Bình Dương trong thời gian tới góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn; cải thiện chất lượng cuộc sống người dân trước thực trạng biến đổi khí hậu của toàn cầu./.