Theo nguồn tin thân cận, các hãng hàng không Mỹ đang chuẩn bị tiếp nhận khoản hỗ trợ 25 tỷ USD của chính phủ để chi trả lương cho người lao động, giữa bối cảnh lượng hành khách giảm mạnh do tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ cho các hãng hàng không và Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ ký phê chuẩn sớm nhất là trong ngày 27/3 (giờ địa phương), các hãng hàng không sẽ nhận được những khoản tiền đầu tiên trong vòng 10 ngày.
Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ đã từ chối bình luận về một báo cáo cho rằng lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ sẽ yêu cầu “đổi cổ phần lấy gói cứu trợ.”
Theo các điều khoản của gói cứu trợ trên, các hãng hàng không có thể yêu cầu nhận số tiền cứu trợ tương đương với số chi trả lương cho lực lượng lao động của họ trong giai đoạn từ ngày 1/4-30/9/201, đồng nghĩa với việc một số hãng hàng không lớn có thể nhận tới 4 tỷ USD hay cao hơn.
[Ngành hàng không ngày càng lún sâu vào khủng hoảng do COVID-19]
Chẳng hạn, Delta Air Lines đã trả khoảng 5,6 tỷ USD tiền lương và các chi phí liên quan cho khoảng 91.000 nhân viên làm việc toàn thời gian trong giai đoạn trên.
Mặc dù sẽ nhận được các khoản trợ cấp nói trên, các hãng hàng không Mỹ, trong đó có Delta, đã tiến hành cắt giảm chi phí nhân sự thông qua việc đề nghị người lao động tình nguyên nghỉ việc tạm thời không nhận lương hay nghỉ hưu sớm.
Hơn 17.000 lao động và thành viên phi hành đoàn của Delta đã tình nguyện không nhận lương trong 30, 60 hoặc 90 ngày.
Giám đốc điều hành Delta, ông Ed Bastian, đã yêu cầu nhân viên chỉ làm việc 3-4 ngày/tuần trong quý II/2020 để tiết kiệm khoảng 25% chi phí tiền lương.
Trước tình hình hoạt động đi lại bằng đường không giảm mạnh do dịch COVID-19, chi phí lớn nhất của các hãng hàng không hiện nay là tiền lương chi trả cho lực lượng lao động.
Vì vậy, gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ sẽ giúp các hãng hàng không có thể duy trì hoạt động trong 6 tháng trước khi đánh giá liệu nhu cầu đi lại bằng đường trên thế giới có thực sự hồi phục hay không./.