Các hãng hàng không Trung Đông gặp khó do lệnh cấm mang laptop

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cảnh báo lệnh cấm mang máy tính xách tay (laptop) lên khoang hành khách có thể ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu của các hãng hàng không Trung Đông trong 2017.
Các hãng hàng không Trung Đông gặp khó do lệnh cấm mang laptop ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: cnn.com)

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ngày 9/4 cảnh báo lệnh cấm mang máy tính xách tay (laptop) lên khoang hành khách và các tác động của việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu của các hãng hàng không Trung Đông trong năm 2017.

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không Trung Đông đã tăng 9,5% trong 3 tháng đầu năm 2017, vận tải hành khách tăng tháng thứ tư liên tiếp lên mức 74,3%, tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, IATA cho rằng các hãng hàng không toàn cầu, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông có thể sẽ phải đối mặt với những rào cản mới khi Mỹ từ cuối tháng 3 áp dụng lệnh cấm mang laptop, máy tính bảng trong hành lý xách tay đối với các chuyến bay thẳng tới Mỹ từ 10 sân bay tại 8 quốc gia gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Ai Cập, Jordan, Kuwait, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc.

Ngay sau đó, Vương quốc Anh Liên hiệp và Bắc Ireland cũng ban hành lệnh cấm tương tự đối với tất cả các chuyến bay cất cánh từ sân bay Ai Cập, Jordan, Liban, Saudi Arabia, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài vấn đề trên, các hãng hàng không còn phải đối diện với tác động của tiến trình đàm phán Brexit về ngành vận tải hàng không, cũng như chủ nghĩa bảo hộ và quyết định đóng cửa biên giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.​

Trong khi đó, để ứng phó với lệnh cấm nói trên của Mỹ, ba hãng hàng không lớn Vùng Vịnh, gồm Dubai, Etihad (Abu Dhabi) và Qatar Airways, hồi đầu tháng này đã triển khai dịch vụ cho mượn laptop và máy tính bảng đối với hành khách hạng nhất và hạng thương gia trên các chuyến bay thẳng tới Mỹ xuất phát từ 3 sân bay quốc tế tương ứng của các hãng này gồm sân bay quốc tế Dubai, Abu Dhabi và Hamad./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.