Các khu công nghiệp của Nam Định cần tuyển dụng 7.000 lao động

Từ nay tới cuối năm 2015, các doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp ở Nam Định có nhu cầu tuyển dụng gần 7.000 lao động, tập trung vào các lĩnh vực dệt, sợi, may mặc, chế tạo.
Các khu công nghiệp của Nam Định cần tuyển dụng 7.000 lao động ảnh 1Công nhân dệt may ở Nam Định. (Ảnh: Nguyễn Trường/TTXVN)

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định, sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, gần 100% số lao động làm việc tại các khu công nghiệp tỉnh Nam Định đã trở lại làm việc bình thường, không có tình trạng bỏ việc và "nhảy việc" như nhiều năm trước.

Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, từ nay tới cuối năm 2015, các doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 7.000 lao động, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dệt, sợi, nhuộm, may mặc, sản xuất dây dẫn và cơ khí chế tạo.

Ông Trần Thanh Nhượng, Phó Trưởng phòng quản lý doanh nghiệp và lao động, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định, cho biết các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh cần tuyển dụng hàng nghìn lao động xuất phát từ nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp thành lập mới đã và đang hoàn thiện hạ tầng để đi vào sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng cũng rất lớn.

Từ nay đến cuối năm 2015, khu công nghiệp Hòa Xá cần hơn 5.000 lao động; khu công nghiệp Bảo Minh cần hơn 1.500 lao động; khu công nghiệp Mỹ Trung khoảng 300 lao động.

Nhu cầu lao động tập trung nhiểu nhất vẫn ở lĩnh vực dệt may, sợi nhuộm. Công ty trách nhiệm hữu hạn Youngone Nam Định (khu công nghiệp Hòa Xá) có nhu cầu tuyển tới 2.200 lao động; Công ty trách nhiệm hữu hạn hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (khu công nghiệp Bảo Minh) cần 1.000 lao động; Công ty cổ phần May Duy Minh (khu công nghiệp Bảo Minh) cần 500 lao động.

Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn Ocean Garment (khu công nghiệp Hòa Xá) cần 300 lao động; Công ty cổ phần May Nam Định (khu công nghiệp Hòa Xá) cần tuyển 300 lao động; Công ty cổ phần TCE VINA DENIM có nhu cầu tuyển 600 lao động.

Bên cạnh đó, khoảng 20 doanh nghiệp khác tại các khu công nghiệp của Nam Định  cũng có nhu cầu lao động từ vài chục đến vài trăm, thuộc các ngành nghề như may mặc, dệt, sản xuất nến, cơ khí...

Lý giải về thực trạng các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Nam Định luôn trong tình trạng thiếu lao động, ông Trần Văn Liệu, Trưởng Phòng quản lý công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Nam Định đánh giá: Dệt may của Nam Định trong những năm qua luôn phát triển ổn định, nhiều doanh nghiệp đã kiếm đủ đơn hàng tới quý 3/2015 thậm chí có đơn vị có đơn hàng cho cả năm nay. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mới ra đời, trong đó chủ yếu là dệt, sợi, nhuộm, may mặc. Do đó, nhu cầu về lao động là rất lớn.

Cũng theo ông Liệu, hiện có tình trạng cạnh tranh để thu hút lao động ngành dệt may giữa các doanh nghiệp.

Sự ra đời của nhiều đơn vị sản xuất là những xưởng hoặc kinh tế hộ ở khu vực nông thôn, với nhu cầu từ 60-70 lao động/đơn vị đang cản trở các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nhân công.

Các đơn vị này sẵn sàng trả lương hấp dẫn hơn, tạo điều kiện làm việc thỏa mái hơn, còn người lao động (chủ yếu ở nông thôn) cũng mong muốn làm việc gần nhà.

Trong khi đó, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp khó đảm bảo cuộc sống, điều kiện làm việc thì gò bó, nơi ở không có, các chế độ an sinh còn hạn chế.

Ông Liệu cho rằng, để doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm được nguồn nhân công và giữ chân được họ, cần tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động, theo đó công việc phải đảm bảo người lao động có được cuộc sống ổn định.

Tỉnh Nam Định hiện có 3 khu công nghiệp (Hòa Xá, Bảo Minh và Mỹ Trung) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích mặt bằng hơn 601ha. Đến nay, 3 khu công nghiệp đã thu hút 156 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký 7.210 tỷ đồng và 308,7 triệu USD; diện tích đã cho thuê là 310ha.

Hiện có khoảng 2,7 vạn lao động đang làm việc tại 3 khu công nghiệp với mức lương bình quân 3,4-3,8 triệu đồng/tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.