Các lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo hình mẫu kinh tế Anh bị phá vỡ

Kinh tế Anh đang trải qua giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài, sâu sắc và nền kinh tế này hầu như không được chuẩn bị cho những thách thức về tự động hóa, tình trạng dân số già đi cũng như việc rời EU.
Các lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo hình mẫu kinh tế Anh bị phá vỡ ảnh 1Hàng hóa được bày bán tại một khu chợ ở quận Notting Hill, London ngày 8/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bài viết đăng trên báo Financial Times của Anh, ông Justin Welby, cựu Giám đốc điều hành công ty dầu mỏ Elf Aquitaine của Pháp và Enterprise Oil của Anh, và lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu như John Lewis, McKinsey, Siemens UK và Legal & General Investment đưa ra nhận định rằng hình mẫu kinh tế Anh đang bị “phá vỡ," cần có sự cải cách cơ bản.

Ông Justin Welby nhấn mạnh kinh tế Anh đang trải qua giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài và sâu sắc, đồng thời nền kinh tế này hầu như không được chuẩn bị cho những thách thức về tự động hóa, tình trạng dân số già đi cũng như việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

[Vấn đề Brexit: EU đặt điều kiện đàm phán thương mại với Anh]

Chính phủ cần cải thiện hệ thống giáo dục, tăng thuế đối với người giàu, tăng đầu tư cho công nghệ xanh và nhà cửa, đồng thời tăng lương cho người dân. Nước Anh cần chuẩn bị cho một thập niên nhiều khó khăn trong bối cảnh Brexit, chỉ việc Anh rời EU, sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi, dân số già đi và những thay đổi về công nghệ.

Kết quả nghiên cứu do một nhóm chuyên gia cùng phối hợp với Viện nghiên cứu IPPR thực hiện cho thấy Chính phủ Anh đang nỗ lực cải thiện năng suất, nhưng kinh tế Xứ sương mù hiện hoạt động yếu kém hơn so với các nước Bắc Âu kể từ sau khủng hoảng tài chính, trong đó năng suất và đầu tư thấp, trong khi sự chênh lệch trong khu vực gia tăng.

Phân tích của IPPR cho hay mặc dù Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 10% kể từ sau khủng hoảng, song thu nhập khả dụng trên đầu người chững lại. Kinh tế Anh ngày nay không mang lại sự thịnh vượng lớn hơn cho đa số dân. Từ chỗ là hình mẫu kinh tế, nước Anh giờ đây có vẻ đang vướng vào sự “rối ren” kinh tế.

Hiện nhóm này chưa đưa ra khuyến nghị cụ thể nào, song dự kiến sẽ công bố báo cáo cuối cùng vào mùa Thu 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.