Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2017 (cụ thể, quý 1 tăng 7,45%, quý 2 tăng 6,79%), ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.
[Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Pháp năm 2018]
“Điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng với sự vào cuộc nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018,” ông Lâm nói.
Công nghiệp tăng ấn tượng, nông nghiệp phục hồi
Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng 9,07%, đóng góp 48,9% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tăng 6,90%, đóng góp 41,4% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng 3,93%, đóng góp 9,7%.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp tăng trưởng ấn tượng với 9,28%. Mức tăng này cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2016 và năm 2017 (7,01% và 5,42%).
Có thể thấy, điểm sáng xuất phát từ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02% (mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây)
Tuy nhiên, ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,3%), song ông Lâm cho biết, mức giảm trên đã thu hẹp đáng kể so với kỳ năm trước (giảm 7,8%). Bên cạnh đó, ngành xây dựng cũng ghi điểm với mức tăng trưởng khá đạt 7,93%.
Trong 6 tháng, ngành nông nghiệp đã có sự phục hồi rõ nét, mức tăng 3,28% là cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Ngành thủy sản có kết quả khả quan với mức tăng 6,41% và cũng là mức cao nhất trong 8 năm qua.
Ngành lâm nghiệp có sự chuyển biến tích cực với mức tăng 5,12%, và cao hơn mức tăng 4,31% cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ cũng xác lập kỷ lục sau 7 năm trở lại đây với mức tăng 6,90%, trong đó các ngành đóng góp tỷ trọng lớn là bán buôn và bán lẻ tăng 8,21%, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,58%, lưu trú và ăn uống tăng 7,02%...
Phối hợp đồng bộ, hiệu quả
Phân tích kinh tế - xã hội sáu tháng qua, ông Lâm cho rằng, kinh tế thế giới vẫn tiếp tục được cải thiện nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.
Cụ thể, giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, sắt thép, chất đốt…) có mức tăng cao đã gây áp lực lên lạm phát tại nhiều quốc gia.
Ngoài ra, hoạt động thương mại toàn cầu mặc dù duy trì được đà tăng trưởng, tuy nhiên lại phải đối mặt với những khó khăn đến từ câu chuyện căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và các đối tác lớn khác (như Liên minh Châu Âu, Nhật Bản).
Chưa hết, xu hướng bảo hộ mậu dịch tại các nước lớn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là những thay đổi trong chính sách thương mại của Chính phủ Mỹ đã và đang tác động lớn đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
“Trước tình hình đó, Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt đồng thời các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực,” ông Lâm nhấn mạnh./.