Các nền kinh tế APEC cam kết đưa ra lộ trình an ninh lương thực 10 năm

Bộ trưởng Nông nghiệp New Zealand nhấn mạnh việc đảm bảo thế giới có nguồn cung cấp lương thực ổn định là một trong những thách thức lớn nhất mà các nền kinh tế APEC phải đối mặt.
Các nền kinh tế APEC cam kết đưa ra lộ trình an ninh lương thực 10 năm ảnh 1Thu hoạch lúa tại Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Các Bộ trưởng Nông nghiệp và Lương thực của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã cam kết đưa ra một lộ trình mới để hướng dẫn các nỗ lực thúc đẩy an ninh lương thực trong 10 năm tới.

Cam kết này được đưa ra tại Hội nghị An ninh lương thực cấp bộ trưởng được tổ chức ngày 19/8 theo hình thức trực tuyến trong khuôn khổ APEC 2021 do New Zealand đăng cai.

Trong thông báo phát đi cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp New Zealand Damien O’Connor nhấn mạnh việc đảm bảo thế giới có nguồn cung cấp lương thực ổn định là một trong những thách thức lớn nhất mà các nền kinh tế APEC và các nền kinh tế còn lại của thế giới phải đối mặt, đặc biệt là sau khi các quốc gia phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Theo ông O’Connor, thách thức là rất lớn, nhưng hoàn toàn có thể vượt qua được. Các diễn đàn như APEC đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy hết tiềm năng của châu Á-Thái Bình Dương trong nỗ lực chung này.

Ông O’Connor kêu gọi các nước cùng nhau hợp tác để vượt qua những thách thức to lớn mà thế giới đang phải đối mặt, với nhiệm vụ trước mắt là khắc phục tình trạng mất an ninh lương thực do dịch COVID-19.

Ngoài ra, ông cũng kêu gọi các nước giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh lương thực như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, thất thoát và lãng phí lương thực, tài nguyên hạn chế và tác động của các hoạt động sản xuất đối với môi trường.

[Các nền kinh tế APEC đạt tăng trưởng mạnh trong quý một]

Về lộ trình an ninh lương thực hướng tới năm 2030, Bộ trưởng Nông nghiệp New Zealand cho hay đây là văn bản hướng dẫn để đảm bảo các nền kinh tế APEC hướng tới một mục đích chung là xây dựng một hệ thống sản xuất lương thực linh hoạt, hiệu quả và bền vững hơn, liên kết các chuỗi sản xuất, chế biến, thương mại và tiêu dùng với nhau.

Lộ trình tập trung vào bốn vấn đề trọng tâm gồm số hóa và đổi mới, năng suất, tính bao trùm và tính bền vững.

Cũng theo người đứng đầu ngành nông nghiệp New Zealand, tuyên bố của Hội nghị An ninh lương thực được đưa ra cùng ngày là một dấu hiệu cho thấy cam kết của APEC đối với lĩnh vực quan trọng này.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), có khoảng gần 2,37 tỷ người không được tiếp cận lương thực đầy đủ vào năm 2020, tăng 320 triệu người chỉ trong một năm. Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với nguồn cung, cả trong mạng lưới sản xuất và phân phối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.