Các nền kinh tế APEC đẩy mạnh phát triển bền vững nghề cá

Cuộc họp thường niên lần thứ 9 trao đổi về kế hoạch hành động chung của các nền kinh tế APEC nhằm phát triển bền vững nghề cá đã diễn ra tại Cần Thơ.
Các nền kinh tế APEC đẩy mạnh phát triển bền vững nghề cá ảnh 1Thu mua cá ngừ đại dương. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Ngày 21/8, tại Cần Thơ, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, Nhóm công tác Đại dương và Nghề cá (OFWG) đã tổ chức cuộc họp thường niên lần thứ IX nhằm trao đổi về kế hoạch hành động chung của các nền kinh tế APEC cùng các hoạt động hợp tác mang tính khu vực và toàn cầu nhằm phát triển bền vững nghề cá và các lĩnh vực liên quan đến biển và đại dương trong thời gian tới. Đại biểu 21 nền kinh tế thành viên khu vực APEC tham gia buổi làm việc.

Tại cuộc họp lần này, vấn đề được các chuyên gia tập trung bàn thảo là chiến lược hành động chung của khu vực về đảm bảo sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản châu Á-Thái Bình Dương; tăng cường khả năng thích ứng chống chọi của cộng đồng dân cư ven biển đối với thiên tai và diễn biến phức tạp của tự nhiên; tăng cường liên kết giữa các nền kinh tế thành viên APEC vì mục tiêu bảo vệ môi trường biển và khai thác hiệu quả tài nguyên từ đại dương.

Đồng thời, cập nhật việc thực hiện một số sáng kiến trong việc nâng cao năng lực xử lý rác thải biển; xây dựng bộ công cụ đánh giá rủi ro sinh thái do tác động của biến đổi khí hậu đối với thủy sản; thu hút cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia bảo tồn môi trường biển, sinh kế và nghề cá bền vững.

[Thúc đẩy thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững]

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, các nước thành viên khu vực APEC đóng góp trên 80% sản lượng nuôi trồng thủy sản và hơn 65% sản lượng khai thác toàn cầu; mức tiêu dùng hải sản của APEC cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới.

Do vậy, việc hình thành một chiến lựợc hoạt động thống nhất chung nhằm tăng sản lượng khai thác, nuôi trồng và giảm tổn thất sau thu hoạch đối với khu vực là rất cần thiết.

Tuy nhiên, nghề cá của APEC hiện đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu ngày càng chuyển biến theo hướng cực đoan, khó dự báo trước, khiến ngành cá khu vực trở nên dễ bị tổn thương trước thiên tai, dịch hoạ.

Thông qua cuộc họp lần này, các quốc gia thành viên mong muốn sẽ đạt được sự đồng thuận chung để thông qua các chương trình hợp tác hành động trong tìm kiếm giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề quản lý nguồn tài nguyên biển của khu vực; tạo điều kiện cho các cơ hội thương mại và đầu tư nhằm thúc đầy hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững trong khu vực; nâng cao vai trò và đóng góp chung của ngành thủy sản APEC trong công tác bảo đảm an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu trong khu vực nhằm phát triển nông thôn-đô thị khu vực.

Với tư cách là nước chủ nhà, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh, Việt Nam sẽ nỗ lực để cuộc họp đạt được kết quả như mong muốn; đồng thời, tích cực thảo luận, đóng góp để các sáng kiến của Việt Nam tạo được dấu ấn trong kế hoạch hành động chung của khu vực cũng như các dự án liên quan.

Theo kế hoạch, cuộc họp sẽ kết thúc vào ngày 22/8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.