Báo cáo tóm tắt về hội nhập kinh tế ASEAN (AEIB) được công bố gần đây nhận định các nền kinh tế ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2022 và 5,2% năm 2023, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng cao hơn dù vẫn còn nhiều thách thức.
Việc triển khai hiệu quả các chương trình tiêm chủng cho phép các quốc gia thành viên ASEAN mở cửa trở lại, thúc đẩy các hoạt động kinh tế và hỗ trợ sự phục hồi của thị trường việc làm.
Vụ Giám sát Hội nhập ASEAN/Ban Thư ký ASEAN cũng nhấn mạnh rằng tỷ lệ tiêm chủng hoàn thành hai mũi vaccine ngừa COVID-19 đạt 65,9% dân số, trong khi 25,2% đã được tiêm các mũi nhắc lại tính đến tháng 5/2022.
Chủ đề thứ 11 của Báo cáo tóm tắt về hội nhập kinh tế ASEAN (AEIB) lưu ý rằng các quốc gia thành viên ASEAN dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại vào nửa cuối năm 2022. Sự lạc quan sẽ tiếp tục trong năm 2022, với chỉ số sản xuất tiếp tục tăng trưởng bất chấp rủi ro của các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 và giá hàng hóa tăng đột biến trong nửa đầu năm.
Theo báo cáo, các nền kinh tế của khu vực đã tăng trưởng 3,0% năm 2021 so với mức giảm 3,2% năm 2020 nhờ vào tiêu dùng và thương mại mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp, sau khi tăng đột biến trong đại dịch, đã giảm xuống vào năm 2021, trong khi thương mại tăng 25,1% lên 3.340 tỷ USD vào năm 2021, vượt qua mức trước đại dịch.
[ADB đánh giá về triển vọng phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á]
Các khoản đầu tư ghi nhận mức tăng trưởng 42,3% lên 174,1 tỷ USD năm 2021, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, dịch vụ tài chính và bảo hiểm, thông tin và truyền thông.
Tuy nhiên, xung đột ở Đông Âu đang là trở ngại cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu và khu vực, vì sự gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu đã dẫn đến biến động giá cả, đặc biệt là đối với các mặt hàng năng lượng và thực phẩm.
Báo cáo cho biết áp lực lạm phát dai dẳng có thể làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp. Điều này làm tăng thêm rủi ro phát sinh từ quá trình bình thường hóa chính sách ở các nền kinh tế lớn trong bối cảnh đang dần thoát khỏi các chính sách điều chỉnh trong thời kỳ đại dịch.
Chính sách thắt chặt hơn ở các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, có thể kích hoạt dòng vốn thoái lui khỏi các nền kinh tế mới nổi và làm trầm trọng thêm các lỗ hổng bên ngoài.
Trên thực tế, hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN đều chứng kiến tỷ giá hối đoái giảm so với "đồng bạc xanh," đặc biệt kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện nâng lãi suất vào tháng 3/2022. Trong khi hầu hết các điều kiện kinh tế và tài chính vẫn có thể kiểm soát được trong nửa đầu năm 2022, một số thành viên đã thắt chặt các chính sách. Do đó, các ngân hàng trung ương cần phải cảnh giác và hợp tác để tăng cường khả năng phục hồi đối với các cú sốc trong tương lai, bao gồm cả tính dễ bị tổn thương tài chính từ cả bên trong và bên ngoài khu vực.
Khi đại dịch bùng phát, ASEAN đã khẳng định cam kết hợp tác cùng nhau để vượt qua khủng hoảng và đã đẩy mạnh các nỗ lực về tính bền vững và số hóa. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của khu vực trong những năm tới./.