Các nền kinh tế phát triển đang đối mặt tình trạng thiếu lao động

Ở châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu giảm, khi tại London (Anh) và Berlin (Đức), các quán bar và nhà hàng đang vất vả tìm nhân viên cho các vị trí trống.
Các nền kinh tế phát triển đang đối mặt tình trạng thiếu lao động ảnh 1Sinh viên đại học tham gia hội chợ việc làm tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Financial Times cho biết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động, trong bối cảnh các doanh nghiệp mở cửa trở lại sau thời gian dài phong tỏa bắt đầu đẩy nhanh việc tuyển dụng nhân viên.

Dữ liệu kinh tế cho thấy áp lực này thể hiện rõ nhất ở Mỹ. Bà Jennifer McKeown thuộc công ty tư vấn Capital Economics cho biết các cuộc khảo sát doanh nghiệp tại Mỹ đưa ra “bằng chứng rõ ràng về tình trạng thiếu lao động," với số lượng các vị trí tuyển dụng tăng và thời gian làm việc của người lao động tăng nhiều giờ so với mức trước đây.

Ở châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu giảm, khi tại London (Anh) và Berlin (Đức), các quán bar và nhà hàng đang vất vả tìm nhân viên cho các vị trí trống.

Tại Anh, các nhà tuyển dụng cho biết nhiều công dân các nước Liên minh châu Âu (EU) đã rời nước này trong khi số khác lựa chọn tiếp tục tạm nghỉ thay vì tìm việc mới cho tới khi lệnh phong tỏa chấm dứt.

Ngay cả ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - nơi các nền kinh tế đang bắt đầu giai đoạn mở cửa trở lại, các cuộc khảo sát doanh nghiệp mới nhất cho thấy việc thuê nhân viên ngày càng trở nên khó khăn.

[Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất từ khi dịch bùng phát]

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng với việc nền kinh tế Mỹ vẫn thiếu 10 triệu việc làm so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19 và chỉ tính riêng ở Pháp và Đức, có tới 5 triệu công nhân đang tạm thời nghỉ việc tính đến cuối quý 1/2021, thì các nhà tuyển dụng có thể thu hút số lượng lớn người muốn đi làm trở lại. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu các nhà tuyển dụng có cần tăng lương để thu hút nhân viên hay không.

Theo ông Ian Shepherdson, chuyên gia công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, nếu tình trạng thiếu lao động không được giải quyết, thì mức tiền lương tại Mỹ sẽ tăng vọt do nhu cầu về lao động đang tăng cao. Tuy nhiên, ông cho rằng áp lực này chỉ là tạm thời, đặc biệt sau khi các trường học mở cửa trở lại và tiền trợ cấp thất nghiệp giảm.

Giám đốc chính sách tại Viện Chính sách Kinh tế, bà Heidi Shierholz, cũng cho rằng ngành khách sạn và giải trí ở Mỹ sẽ không phải chịu áp lực tăng lương vì mức lương trong ngành này, vốn thấp hơn nhiều so với các ngành khác, chỉ đơn thuần là quay lại xu hướng trước đại dịch.

Các nhà kinh tế khác cũng cho rằng có áp lực tăng lương tại Mỹ nhưng sẽ chỉ mang tính nhất thời và không nặng nề bằng các nơi khác, đặc biệt so với Eurozone./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.